Gia đình khó khăn và lao động nhập cư than trời

Năm học tới TPHCM có thể tăng học phí, thông tin này khiến chị Huỳnh Thị Hến ở phường Tân Phú, TP Thủ Đức (TPHCM) hốt hoảng. Chị Mến là lao động tự do, từ ngày thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, chị nghỉ sinh em bé và vẫn chưa thể đi làm. Mỗi tháng thu nhập từ người chồng chạy xe container khoảng 10 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Vì vậy, gia đình chị Hến phải chắt bóp chi tiêu để trang trải sinh hoạt phí, tiền thuê nhà, cùng tiền học cho 2 con lớn đều đang học lớp 3.

“Cũng vì chi phí tiền học của các cháu, tiền thuê trọ, sinh hoạt mà vợ chồng hay mâu thuẫn, lục đục. Năm tới sách giáo khoa cũng sẽ tăng giá. Nếu học phí tăng thì sẽ là một gánh nặng nữa mình cho gia đình. Nếu quy định chung thì mình chấp nhận nhưng có lẽ thời điểm này hầu hết mọi người đều chưa muốn tăng học phí”...

Có 2 con hiện đang học lớp 6 và lớp 8 ở TP Thủ Đức, TPHCM, chị Nguyễn Thị Bé cũng giật mình khi biết năm học tới học phí bậc THCS ở các có thể tăng 5 lần so với trước. Dù kinh tế gia đình không quá khó khăn nhưng với đồng lương viên chức của 2 vợ chồng thì mức tăng này là rất cao và đột ngột.

“Sau 2 năm đại dịch, nhiều gia đình vẫn còn có người thất nghiệp, sống phụ thuộc gia đình. Học phí tăng sẽ ảnh hưởng phần nào tới sinh hoạt gia đình. Ở thời điểm hiện tại tôi đề nghị vẫn giữ nguyên mức đóng”, chị Bé cho rằng “nên để sau 2 năm đời sống của mọi người ổn định rồi mới tính đến chuyện tăng học phí”.

Chị Nguyễn Thị Nga quê ở Quảng Bình, có 2 con đang học tiểu học ở quận Bình Thạnh (TPHCM) cho biết 2 vợ chồng chị đều là công nhân với mức thu nhập đủ để trang trải sinh hoạt phí, tiền trọ và tiền đóng học cho con với điều kiện phải rất tiết kiệm.

“Nếu tăng học phí ngay năm tới vượt ngưỡng đáp ứng của 2 vợ chồng thì có thể mình sẽ tính chuyện con về quê học. Ở quê chi phí cho học tập và sinh hoạt sẽ đỡ hơn, ngoài ra còn có ông bà hỗ trợ mặc dù cũng muốn ở gần các con”, chị Nga tính toán.

TPHCM có số lượng dân nhập cư đông đúc, là một bộ phận không thể tách rời của thành phố. Sau vòng xoáy của dịch COVID-19 với cuộc hồi hương lớn nhất lịch sử, gia đình họ lại dắt díu nhau trở lại thành phố mưu sinh. Nếu học phí tăng đột ngột, rất có thể nhiều lao động nhập cư buộc phải cho con nghỉ học về quê, thậm chí chính họ rời bỏ thành phố về quê tìm việc khác để đáp ứng việc học tập của con. Đó sẽ là tác động không nhỏ cho nguồn lao động của thành phố mới hồi sinh sau đại dịch.

Tăng học phí không nên gấp gáp

Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 (TPHCM) cho rằng việc tăng học phí là đúng, đảm bảo cơ chế cho đội ngũ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đổi mới. Tuy nhiên nếu tăng đột ngột như dự thảo sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều gia đình khó khăn hiện nay. Nếu không tính toán kỹ nhiều học sinh trong các gia đình không có điều kiện sẽ mất đi cơ hội học tập.

“Sở Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lộ trình tăng học phí. Đồng thời có những chế độ chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời cho nhiều thành phần trong xã hội để học sinh, phụ huynh cảm thấy yên lòng, nhất là với những em trong gia đình chính sách, gia đình có người mất vì COVID-19”, ông Phú đề xuất.

“Với học phí như dự thảo, nếu cha mẹ có công ăn việc làm thì mức đó ổn, nhưng với những phụ huynh không có việc làm ổn định, làm những công việc như bán vé số, những gia đình di dân ở trọ sẽ rất khó khăn”, cô Nguyễn Thị Ngọc Linh, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Bình Chánh, TPHCM khẳng định tăng học phí là tất yếu nhưng “cần có chính sách hỗ trợ đối với những em học sinh thuộc diện khó khăn để đỡ chi phí học tập các em”.

Theo cô Linh, lộ trình tăng học phí cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng để không gây “sốc” cho người học. “Học phí ở bậc THCS như trường mình hiện nay học sinh chỉ đóng 30.000 đồng/tháng. Như vậy có thể tăng từ từ, năm sau tăng lên 40.000 đồng/tháng, năm sau nữa tăng lên 50.000 đồng-60.000 đồng/tháng thì sẽ ổn hơn. Nếu tăng một lần gấp 2 gấp 3, thậm chí gấp 5 lần như vậy sẽ gây dư luận không hay.

Tăng là điều tất yếu nhưng tăng thế nào và cách triển khai ra sao cho phù hợp với đời sống của người dân ở từng địa phương thì sẽ hợp với lòng dân thì người ta sẽ hưởng ứng”, cô Linh khẳng định.

Nói về dự thảo tăng học phí của TPHCM, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, Nghị định 81/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10/2021 nên đáng lẽ việc tăng học phí áp dụng trong năm học 2021-2022. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên Thành phố hoãn lại.

Đã 6 năm liên tục, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND TP không tăng học phí. Trong đề xuất điều chỉnh học phí đang lấy ý kiến để hoàn thiện, phía Sở đã tham mưu mức “sàn” thấp nhất mà Nghị định 81 cho phép. Học phí chỉ là phần rất nhỏ trong cơ cấu tài chính học đường mà lâu nay TPHCM “rót” bằng ngân sách để vận hành mạng lưới giáo dục trên địa bàn.

Trả lời câu hỏi học phí tăng có đi đôi tăng chất lượng giáo dục hay không, ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM khẳng định, việc tăng chất lượng giáo dục là nhiệm vụ chính trị chứ không liên quan đến học phí. Còn việc tăng học phí, dù có tăng hay không thì chất lượng giáo dục vẫn phải đảm bảo ở mức cao nhất./.