Theo đó, Sở GD-ĐT đang triển khai các văn bản trình UBND thành phố ban hành các quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng dẫn tại Thông tư số 29 thay thế cho các văn bản quy định về dạy thêm, học thêm trước đó.

Trong thời gian đợi các văn bản hướng dẫn của UBND Hải Phòng, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29 của Bộ GD-ĐT.

Trong một văn bản khác, Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng đề nghị các trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm ngôn ngữ và văn hoá; trung tâm giáo dục kỹ năng sống; trung tâm bồi dưỡng kiến thức, văn hoá, nghệ thuật và các trung tâm khác... nghiên cứu Thông tư 29 để thực hiện. Đồng thời, thực hiện nghiêm các nội dung có liên quan theo đúng Thông tư 29; chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sai phạm trong quá trình thực hiện.

Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2/2025 nhằm thay thế cho Thông tư 17 năm 2012 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Trong đó, quy định không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: Bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 nhóm học sinh gồm: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp.

Tổ chức cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh và công khai các thông tin theo quy định của pháp luật.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng...