Trong Chương trình giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS.TS Trương Thị Nhàn - giảng viên Chuyên ngành Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Huế đã có cuộc trò chuyện về sự thú vị của một số thành ngữ so sánh trong tiếng Việt

“Lặng như tờ” – “tờ” ở đây là gì?

“Lặng như tờ” nghĩa của nó tức là rất lặng, rất yên tĩnh. Tuy nhiên để giải nghĩa thì cũng không phải là dễ dàng bởi vì nó liên quan đến “tờ”. “Tờ” là gì? Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý chủ biên định nghĩa rằng, “tờ” có nghĩa là trạng thái yên ắng, không gợn chút động tĩnh nào, ví như mặt phẳng của tờ giấy.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác cho rằng “tờ” ở đây không phải tờ giấy mà “tờ” ở đây là biến thể của âm “từ” tức là “từ đường”, nơi thờ tự yên tĩnh, trang nghiêm. Đây cũng là một cách giải thích có cơ sở. Chúng ta biết rằng trong tiếng Việt cũng từng có hiện tượng tương đương giữa âm “ơ” và âm “ư”. Ví dụ như “chứng cớ” và “chứng cứ”, “thơ” và “thư”, “tơ tưởng” và “tương tư”.

Vì sao lại nói là “Nợ như Chúa Chổm”?

“Nợ như Chúa Chổm”, thành ngữ này liên quan đến một giai thoại trong dân gian. Giai thoại này liên quan đến một nhân vật lịch sử gọi là Chúa Chổm. Đó là ông Lê Duy Ninh, tức vua Lê Trang Tông, con của vua Lê Chiêu Tông với một phụ nữ thường dân. Lê Duy Ninh khi mới sinh được mẹ đặt tên là “Chổm”. Vua cha bị cướp ngôi còn Chổm được mẹ nuôi dưỡng trong dân gian. Gia cảnh rất nghèo nàn, vất vả, thường phải ăn nợ cả hàng quán, hết quán này đến quán khác, hết năm này đến năm khác. Rồi nhà Lê phục hưng thì Chổm được tìm rước về kinh để lên ngôi vua. Khi đi qua quê cũ nhiều người dân nhận ra và kéo đến đòi nợ. Chúa Chổm không nhớ mình đã nợ bao nhiêu, nợ những ai nên nghĩ ra cách cho lính đúc tiền rồi rải ra đường, ai nhặt được thì lấy. Và dân gian truyền tụng “nợ như Chúa Chổm” tức là nợ rất nhiều, nợ khắp nơi không đếm xuể.

Hai thành ngữ “Rối như canh hẹ” và “Rành rành như canh nấu hẹ” có mâu thuẫn?

Cùng một sự vật là canh hẹ chúng ta có thể có những cách liên tưởng khác nhau. Khi nói “Rối như canh hẹ” thì chúng ta đang liên tưởng đến tình trạng của những lá hẹ, nó dài, dẹt và rất là dai và khi mà nấu canh nó cứ cuốn xoắn lấy nhau cho nên nói “rối như canh hẹ” tức là nói về sự rối rắm, phức tạp vì như lá hẹ quấn xoắn lấy nhau trong bát canh.

Nhưng mà lá hẹ lại có mùi rất là đặc trưng, khi nấu canh rất dễ nhận ra. Và khi nói “rành rành như canh nấu hẹ” thì người ta liên tưởng đến cái mùi đặc trưng của canh hẹ. Và nghĩa của thành ngữ này là quá rõ ràng, không phải bàn cãi gì nữa ví như canh nấu hẹ có mùi vị riêng, không lẫn đi đâu được.

Thành ngữ so sánh – giản dị, gần gũi, giúp lời nói sinh động hơn

Việc sử dụng thành ngữ so sánh tạo nên sự liên tưởng rất sinh động đối với sự vật hiện tượng và nhờ thế làm sinh động cho lời nói hàng ngày của người Việt. Ngôn ngữ trong văn học, trong khoa học, trong báo chí có thể khác nhưng trong giao tiếp hàng ngày chúng ta rất cần những cách nói ví von cụ thể, sinh động để làm ý vị hơn lời nói của mình và có thể tạo ra mối quan hệ gần gũi khi giao tiếp với những người xung quanh.

Thành ngữ so sánh thường gắn với những sự vật, hiện tượng trong đời sống. Đôi khi vì nó quá gắn với đời sống dân dã cho nên có những sự vật hiện tượng người dân có thể liên tưởng một cách hết sức là vô tư. Ví dụ như “chó cắn áo rách” người ta thấy có chút phản cảm ở trong đó. Vì vậy, chúng ta cũng nên thận trọng sử dụng thành ngữ, PGS.TS Trương Thị Nhàn nhấn mạnh.

Cùng nghe thêm sự thú vị của những thành ngữ so sánh trong tiếng Việt ở đây: