Báo cáo tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào sáng nay (20/8), Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 429 Trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm tại 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ (trong đó 68 ngành, nghề cấp độ quốc tế; 101 ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 144 ngành, nghề cấp độ quốc gia).
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã sắp xếp 247 Trường cao đẳng, trung cấp, hình thành hệ thống trường cao đẳng chất lượng cao tại 4 vùng kinh tế trọng điểm, được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm có khả năng cung ứng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Trong giai đoạn 2011-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh và đào tạo đạt 19,67 triệu người. Trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt trên 1,9 triệu người, trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người. Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước đến quý 2 năm 2022 đạt 26,2%.
Chất lượng đào tạo nghề từng bước được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Kỹ năng nghề của người học được tăng cường, khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.
Ở một số nghề (nghề Hàn, Cơ - điện tử, Viễn thông, Logistic, Du lịch, Dầu khí…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận so với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp. Năm 2021, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%.
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN; Trình độ tay nghề, kỹ năng của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu kỹ năng mềm. Điều này đã cản trở sự đóng góp của nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đặc biệt, trình độ lao động thấp sẽ rất khó dịch chuyển sang các ngành nghề, công đoạn có giá trị gia tăng cao để tăng năng suất lao động và bắt kịp với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng, đề xuất mô hình liên kết vùng, xây dựng các trung tâm đào tạo vùng, trung tâm đào tạo quốc gia theo vùng kinh tế trọng điểm…
Đặc biệt, tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề để khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế - xã hội; Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học, trong đó đề nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi bổ sung Thông tư hướng dẫn dạy tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động…
Phát biểu kết luận hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ LĐ-TB&XH sớm trình văn bản về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nhân lực nhằm phục hồi nhanh kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thủ tướng nhấn mạnh các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16 và Quyết định số 522 của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, phải tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.
Thủ tướng lưu ý thực trạng thiếu hụt cả kỹ năng nghề và kỹ năng sống của lực lượng lao động trẻ hiện nay. Chủ trương của Chính phủ, theo Thủ tướng, không tiếc tiền với việc đầu tư đào tạo, trong đó có đào tạo nghề nghiệp.