Luật sư Nguyễn Hải Yến, Giám đốc Công ty luật YJM, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thông tin các quy định về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của UBND cấp xã từ 01/7/2025:
Theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 ngày 16/06/2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày thông qua), với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, ở cấp xã có Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã là cơ quan được Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp bầu ra. UBND cấp xã vừa là cơ quan chấp hành của HĐND, vừa là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

UBND cấp xã là nơi thay mặt Nhà nước tổ chức thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các quyết định của Hội đồng nhân dân cấp xã ngay tại địa phương. UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo, chịu trách nhiệm trước Nhân dân, trước HĐND cấp xã và UBND cấp tỉnh.
Cơ cấu tổ chức UBND cấp xã được quy định tại Điều 31 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, cũng được sắp xếp lại gọn nhẹ, chuyên nghiệp hơn:
- Bộ máy chỉ còn Chủ tịch, không quá 2 Phó Chủ tịch và một số Ủy viên.
- Tổ chức bên trong gồm: Văn phòng HĐND-UBND, Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Xã hội, và Trung tâm phục vụ hành chính công (nếu cần).
- Cách vận hành chuyển từ thủ công sang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số.
Với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, căn cứ khoản 17, 19, 20 Điều 17 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và các văn bản hướng dẫn, Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; Các sở, ban ngành của tỉnh sẽ phân cấp hoặc hướng dẫn trực tiếp cho xã. Quy định này tạo nên sự rõ ràng và rút gọn tuyến quản lý, giúp xã chủ động hơn, xử lý công việc nhanh hơn, đồng thời UBND cấp tỉnh dễ theo dõi và kiểm soát hơn.
Việc tinh gọn bộ máy không làm giảm mà thực tế là tăng thêm vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của UBND cấp xã trong mô hình chính quyền địa phương hai cấp. UBND cấp xã có 10 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 và hướng dẫn tại các Nghị định phân định thẩm quyền Chính phủ ban hành, như: Nghị định số 120/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp, Nghị định số 129/NĐ-CP, Nghị định số 131/2025/NĐ-CP,..., cụ thể có 03 điểm thay đổi nổi bật:
Mở rộng phạm vi công việc và thẩm quyền: Việc xử lý hồ sơ xây dựng nhỏ, xác nhận đất đai, giải quyết khiếu nại, đấu giá đất, quyết toán công trình giúp UBND cấp xã gần dân, sát việc, giải quyết nhanh.
Chủ động hơn trong quản lý ngân sách và kế hoạch: Việc lập, điều chỉnh ngân sách xã, làm chủ đầu tư dự án nhỏ đặt ra yêu cầu cán bộ cấp xã phải có năng lực về tài chính và quản trị.
Nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch: Không còn cấp huyện làm trung gian, mọi hoạt động phải rõ ràng và ứng dụng công nghệ thông tin.
Chuyển từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ và chịu trách nhiệm”. UBND cấp xã hiện nay được tăng quyền, tăng việc và tăng trách nhiệm, vừa là người tổ chức, người giải quyết, vừa là đầu mối chịu trách nhiệm toàn diện trước nhân dân và UBND cấp tỉnh./.