Teen quảng giao và những “nỗi khổ” riêng

Nhanh nhẹn, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nên Ngọc Chi, một bạn trẻ ở Hà Nội có rất đông bạn bè. Phía sau niềm vui, đôi lúc Ngọc Chi cũng thấy mất khá nhiều thời gian. “Các tin nhắn trao đổi trên facebook, Zalo mình đều phải đáp lễ, rồi cả gọi điện, tụ tập, đôi khi thiếu cả thời gian học.”

Không chỉ tốn thời gian, Ngọc Chi còn thấy thật đáng thương cho hầu bao của mình khi thường xuyên là những cuộc cà phê, tụ tập hay quà cáp tặng nhau. “Người ta tặng mình cái nọ, mình phải đáp lễ theo 1 cách khác. Khi có lời mời gần như em không bao giờ từ chối. Khi mà đi ra ngoài đương nhiên là phải tiêu tiền”.

Giống như Ngọc Chi, Tuấn Hưng cũng nhiều bạn bè không kém. Riêng danh sách bạn bè trên Facebook của em cũng đến cả ngàn người. Tuy nhiên, em cũng thừa nhận một thực tế: không phải ai cũng có thể giúp đỡ được mình và số bạn bè thực sự thân thiết là rất ít.

Người quảng giao và 3 giai đoạn trải qua

Theo chị Nguyễn Thị Như Ngọc, một bạn có tính quảng giao đều sẽ trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn vui vẻ: giai đoạn này xuất phát từ sở thích gặp gỡ của cá nhân, tính ngoại giao bẩm sinh, gặp ai cũng vui vẻ nói cười chia sẻ và kết nối.

Giai đoạn phát triển theo chiều rộng: được nhiều người nhờ vả, hỏi han, tham gia nhiều sự kiện, cuộc vui. Ở giai đoạn này, mình sẽ hiểu ra mình mạnh nhất ở điểm nào và đâu là mối quan hệ bạn bè có chất lượng.

Giai đoạn ổn định phát triển theo chiều sâu: Sau một thời gian mình nhận ra và đặt ưu tiên cho những mối quan hệ, những kết nối mang lại được cho mình giá trị vật chất, tinh thần hoặc nâng cao năng lực của bản thân. Những người chúng ta có thể phát triển theo chiều sâu là người tin tưởng mình; người mình đã dành thời gian đồng hành chia sẻ cùng họ.

Hiện nay, các bạn tuổi Teen đa phần ở giai đoạn vui vẻ và giai đoạn phát triển theo chiều rộng của tính quảng giao. Là người trải qua 3 giai đoạn, chị Như Ngọc khuyên, dù bạn luôn bận rộn với những mối quan hệ của mình nhưng hãy luôn đặt ra thứ tự ưu tiên. Phải viết “SAY NO”, nói lời từ chối khi mình đang có những việc quan trọng hơn.

Đôi điều gửi gắm

Trong bất cứ trường hợp nào mình cũng chính là mình (mình có nguyên tắc riêng của bản thân, mình có sự phân minh, rạch ròi, minh bạch trong tình cảm và công việc).

Dù giúp người khác hãy luôn mang tư tưởng “cho đi”, để khi bạn nhận được lời cảm ơn từ người khác thì bạn cũng vui mà không nhận được lời cảm ơn của họ mình cũng không buồn.

Hãy dùng sức mạnh của sự quảng giao để giúp đúng người, đúng việc tránh bị lợi dụng và sẵn sàng nói KHÔNG nếu mình thấy không hợp lý hoặc có nghi ngờ trong bất cứ sự việc gì.

Nghe thêm những chia sẻ của chị Nguyễn Thị Như Ngọc: