Mong thầy cô lì xì bằng cách không giao bài tập Tết

Những ngày áp Tết Nguyên đán 2023, bên cạnh niềm vui được nghỉ học, sum vầy cùng gia đình thì không ít học sinh bị ám ảnh với khối lượng bài tập được giáo viên giao trong thời gian nghỉ Tết.

Em Bùi Hoàng Anh, học sinh lớp 6 (Thanh Xuân, Hà Nội) nói, dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nào, cô giáo cũng giao một lượng bài tập khá lớn mà học sinh phải hoàn thành trong khoảng hơn 1 tuần nghỉ Tết.

“Để hoàn thành khối lượng bài tập này, em phải dành trọn 2 ngày để làm. Làm xong bài tập cô giáo giao thì ăn Tết mới yên tâm”, Bùi Hoàng Anh nói.

Theo kế hoạch đã được công bố của các địa phương, nhiều nơi cho học sinh nghỉ Tết kéo dài từ 12-14 ngày như: Trà Vinh, Lào Cai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai… Một số địa phương khác cho học sinh nghỉ học với số ngày khác nhau, trong đó ít nhất là Bắc Giang (7 ngày); tiếp theo là Hà Nội (8 ngày)…

Phạm Tuấn Anh, một học sinh lớp 9 (Hoàng Mai, Hà Nội) ao ước: “Giá như giáo viên có thể lì xì cho học sinh bằng cách không giao bài tập về trong thời gian nghỉ Tết”.

Để đối phó với lượng bài tập mà giáo viên giao cho học sinh phải hoàn thành trong dịp nghỉ Tết cổ truyền, Tuấn Anh cho biết, nhóm bạn của em thường chia nhau mỗi người giải 2-3 bài sau đó đưa nhau chép.

“Cách làm này em biết là không tốt và không nên nhưng khoảng thời gian nghỉ Tết rất khó để tập trung làm bài một cách nghiêm túc”, Tuấn Anh nói.

Thay vì giao bài tập Tết nên giao các nhiệm vụ học tập

TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, đối với học sinh, dịp nghỉ Tết cổ truyền có ba ý nghĩa. Trước hết đây là kỳ nghỉ của học sinh, mà đã là thời gian nghỉ thì học sinh không phải đến trường, không phải nghĩ đến việc học nữa;

Thứ hai, đây là dịp các em được đoàn tụ với người thân, gia đình, được hưởng niềm hạnh phúc trong những ngày đoàn tụ, giao lưu, họp mặt với người thân; Và thứ ba, trong dịp Tết cổ truyền cũng là lúc các em được giáo dục những giá trị truyền thống, văn hóa, giá trị của tình thân cũng như được hiểu biết về một nghi lễ đặc biệt của dân tộc.

“Từ ba ý nghĩa như vậy nên tôi ủng hộ quan điểm không giao bài tập cho học sinh dịp các em được nghỉ Tết nguyên đán. Học sinh cần được nghỉ theo đúng nghĩa của nó”, TS. Hoàng Trung Học nói.

TS. Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục)

Việc một số giáo viên, trường học và ngay cả phụ huynh học sinh ủng hộ giao bài tập dịp học sinh nghỉ Tết nguyên đán theo TS. Hoàng Trung Học do xuất phải từ nỗi lo các em bị quên kiến thức, mất thói quen học tập. Việc thời gian nghỉ Tết quá dài mà học sinh không động đến sách vở cũng có thể khiến các em sa đà vào chơi game, điện thoại hay các hoạt động vui chơi không lành mạnh.

“Tuy nhiên đó là tư duy từ người lớn, không quản được thì cấm, giao nhiều bài tập để các em không có thời gian chơi game, điện thoại nữa. Nhưng điều này sẽ khiến các em mất đi khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong một năm”, TS. Hoàng Trung Học chia sẻ.

Cũng theo TS. Hoàng Trung Học, quan điểm giáo dục theo tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tập trung phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thay vì tập trung giảng dạy kiến thức. Do vậy việc giao bài tập, giao các nhiệm vụ học tập cho học sinh kể cả thời gian học sinh nghỉ lễ, Tết cũng như lịch học hàng ngày cần có sự thay đổi.

Liên hệ với môn học mới ở bậc Tiểu học là “Hoạt động trải nghiệm” và đối với bậc THCS là “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp”, TS. Hoàng Trung Học cho biết, yêu cầu của môn học trải nghiệm này chính là phải giúp cho học sinh thâm nhập vào thực tế cuộc sống thông qua các trải nghiệm cụ thể để hình thành những phẩm chất, năng lực của một công dân phát triển toàn diện.

“Chúng ta nên quan niệm không giao bài tập mà giao nhiệm vụ học tập, gắn với ý nghĩa của ngày Tết với các nội dung các em đã được học. Các em tìm hiểu phong tục Tết cổ truyền như thế nào, có điểm nào hay trong ứng xử, trong văn hóa, đâu là những kỷ niệm đẹp của các em? Sau khi các em quay trở lại trường học nên tổ chức những buổi để các em được chia sẻ, được tâm sự về những kỷ niệm của mình trong dịp nghỉ Tết, những bài học mà các em rút ra. Đây cũng là điều mà các em học được thông qua những nhiệm vụ học tập”, TS. Hoàng Trung Học nói.

Trước đó, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Quỳnh Mai, tỉnh Nghệ An) gây ấn tượng với dư luận khi giao 10 bài tập về nhà trong thời gian học sinh nghỉ Tết nguyên đán.

Đáng chú ý, tất cả 10 bài tập thầy Hồ Tuấn Anh dành cho học sinh trường mình trong thời gian 12 ngày nghỉ Tết Nguyên đán không có bài tập nào nặng về kiến thức, không có bài tập nào nằm trong chương trình học mà tất cả đều liên quan đến những giá trị nhân văn, truyền thống, những bài học về đạo đức, ứng xử ngày Tết.

“10 bài tập này, học sinh hoàn toàn không gặp áp lực phải làm hay không làm, không áp lực về điểm số mà các em chủ động tham gia vào các phần việc, hoạt động của gia đình trong dịp Tết. Các em có thể ghi chép lại và hết kỳ nghỉ Tết khi đến lớp có thể chia sẻ với bạn bè, thầy cô về những kỷ niệm đẹp của mình trong ngày Tết cổ truyền”, thầy Hồ Tuấn Anh chia sẻ.

Bấm nghe chương trình: