Suốt mấy năm qua, cứ thời điểm trước tháng 3, Hà Nội lại chộn rộn câu chuyện thi vào lớp 10 sẽ là 3 hay 4 môn. Dư luận, báo chí gây sức ép với nhà quản lý và nhà quản lý thì cũng cứ năm nào tính năm đó, chẳng có một giải pháp dài hạn nào.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp từ năm ngoái đến năm nay đã quyết định trừ khối trường chuyên, còn các trường THPT khác sẽ tổ chức xét tuyển. Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp, lý do nhằm giảm áp lực cho xã hội khi học sinh trải qua mấy năm học dưới tác động của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, nhiều trường đại học vẫn sử dụng học bạ làm tiêu chí xét tuyển, tại sao THPT lại không? Thêm một lý do là xét tuyển còn giúp tiết kiệm, cắt giảm được chi phí tổ chức thi.
Rất khó để nói mô hình tuyển sinh nào tốt hơn khi điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa không giống nhau. Tuy nhiên, mục tiêu giảm áp lực thi cử thì cần được hướng tới ở tất cả các địa phương, các vùng miền. Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ Trợ đổi mới Giáo dục Phổ thông về câu chuyện lựa chọn hình thức tuyển sinh vào lớp 10.
Thi vào lớp 10 làm sao để giảm áp lực?
PV: Thưa ông! Kỳ thi vào lớp 10 năm nào cũng khiến báo chí và dư luận dậy sóng bởi câu chuyện áp lực thi cử. Có nhiều luồng ý kiến khác nhau quanh vấn đề này. Trong đó có cả ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn để giảm bớt áp lực cho xã hội. Ở góc độ khoa học giáo dục, ông nghĩ sao về quan điểm này?
Ông Đặng Tự Ân: Theo tôi càng hạn chế thi cử thì càng giảm áp lực cho phụ huynh, học sinh và xã hội, chưa nói thi cử nhiều thì còn tốn kém. Đây là chuyện chung, không riêng gì Việt Nam mình.
Cụ thể thì ta biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 03 năm 2019 nói rằng khi tuyển sinh vào THPT sẽ có 3 phương thức. Phương thức thứ nhất là xét tuyển, không cần thi cử gì hết, dựa vào kết quả 4 năm THCS để xét. Phương thức tiếp theo chính là thi tuyển. Đây là phương thức được đa số các tỉnh thành lựa chọn. Cuối cùng là vừa thi vừa xét tuyển. Việc lựa chọn được giao cho UBND các tỉnh thành phố.
Căn cứ vào 3 phương thức này thì tôi thấy Bộ cũng thấy được vấn đề tìm cách giảm áp lực kỳ thi. Bộ thì đã thấy vấn đề nhưng các địa phương vẫn chưa thay đổi mà thường chọn mỗi phương án thi tuyển.
PV: Thi cử bên cạnh giá trị đánh giá kiểm tra còn mang nhiều giá trị khác như việc phân luồng hoặc tuyển lựa được thí sinh phù hợp yêu cầu đào tạo. Riêng với việc thi vào lớp 10 như đánh giá còn áp lực, căng thẳng và khó khăn hơn thi đại học. Vậy tại sao thi tuyển vẫn được đại đa số các địa phương lựa chọn, thưa ông ?
Ông Đặng Tự Ân: Phương án thi được lựa chọn vì thích ứng với tỷ lệ học sinh lấy vào THPT thấp hơn số lượng học sinh dự thi. Nếu không thấp hơn thì thi không giải quyết được gì, cố tình thi thì rõ ràng mục tiêu chỉ đề thêm gánh nặng cho xã hội.
Thứ hai, thi để giải quyết câu chuyện khó đánh giá bằng định tính để chọn học sinh. Thi là định lượng nên dễ làm. Ví dụ học sinh thi đạt 9 điểm rõ ràng cao hơn học sinh thi đạt 8,5 điểm. Giờ cứ nói tiêu chí này kia để đánh giá hoặc làm đề thi định tính sẽ rất khó khăn.
Bộ cũng đã chỉ ra phương án vừa thi vừa xét tuyển. Tôi cho đây là phương án nên sử dụng để dung hòa hai phương án.
Còn xưa nay trong giáo dục có vấn đề mà chúng tôi không tán đồng, tức là quan điểm "đồng phục". Trong giáo dục lại càng phổ biến, nói nhẹ nhàng hơn là theo đám đông, chọn phương án sao cho nhẹ nhàng với mình nhất. Điều này theo tôi không phải vì trẻ, không phải vì sự phát triển của giáo dục.
PV: Nói đi thì cũng cần nói lại, như nhiều lần báo chí phản ánh thì việc áp lực thi vào lớp 10 tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, và ngay tại thành phố lớn thì cũng chỉ tập trung ở vài địa bàn trọng điểm. Ở đây, bên cạnh việc các địa phương chọn phương án dễ hơn cho mình cũng cần nói đến vai trò của phụ huynh trong việc tự tạo áp lực cho bản thân và con em mình?
Ông Đặng Tự Ân: Về phía phụ huynh đôi khi cũng không hiểu hết vấn đề, bảo thi thì cứ thi thôi chứ cũng không hiểu rõ nó nằm trong giải pháp nào hay nhằm mục đích gì. Nhiều phụ huynh còn cho rằng cứ ôn thi là sẽ chất lượng và cứ thi là có chất lượng.
Thậm chí có người trong ngành còn phát biểu rằng nếu không thi là học sinh không học được, chất lượng giáo dục đi xuống. Điều này tôi nghĩ không phải.
Vậy nên trong phạm vi địa bàn một tỉnh, thành phố thì nên chọn phương án thứ 3 tức là kết hợp các phương thức trong tuyển sinh. Thực ra thì Hà Nội có giai đoạn cũng đã tính đến phương án đó rồi, xét vào lớp 10 ở một số địa bàn, Hà Nội có vùng sâu xa chứ. Vùng đó không nhất thiết phải thi. Các em này thì xét tuyển, các em khác cần tổ chức thi để mà chọn lựa chỉ tiêu vào lớp 10.
PV: Nhưng thưa ông, câu chuyện xét tuyển sẽ lại đặt ra tình huống tiêu cực như thay đổi học bạ, làm khó dễ cho công tác xét tuyển. Câu chuyện phân luồng sau phổ thông sẽ càng bất bình đẳng và trở nên khó khăn hơn, thưa ông?
Ông Đặng Tự Ân: Tâm lý này của phụ huynh tôi đồng tình bởi có một số đua tranh để con em mình vào trường chuyên, lớp chọn. Nhưng ngoài ra còn lý do nữa cũng cần hiểu là số học sinh vào trường công chỉ là 60, trên 60%, còn lại phải vào trường tư. Mà trường tư thì có phải gia đình nào cũng đủ sức đóng góp? Đấy cũng là yếu tố người ta cố cho con thi vào trường công.
Còn câu chuyện phân luồng học nghề và có thể tiếp tục học trong quá trình học nghề, điều này không dễ khi trẻ ở nông thôn khác, Hà Nội khác. Ở Hà Nội hoặc nhiều thành phố trẻ được bao bọc, “con vàng con bạc”, để cho con vào đời ngay với nhiều phụ huynh là điều khó. Chưa nói đến phụ huynh ở Thủ đô dân trí khác, suy nghĩ khác nông thôn. Nên cái này còn xuất phát từ đặc điểm riêng.
PV: Riêng Hà Nội năm nào sau Tết, tức là thời điểm học sinh bước vào kỳ 2 của năm học lại ầm ĩ chuyện 3 hay 4 môn trong kỳ thi vào lớp 10. Ông nghĩ nên là thế nào?
Ông Đặng Tự Ân: Tôi nói Bộ đã cho phép các địa phương tự chọn phương thức, thậm chí cho cả chọn số môn thi và chọn nội dung thi. Số môn thi bao nhiêu là do tự địa phương chọn. Tôi biết Hà Nội những năm trở lại đây, trừ hai năm học kết hợp trực tuyến và trực tiếp do Covid-19, còn lại đều thi 4 môn.
Năm nay ngay từ đầu tôi nghĩ nên thi 3 môn, không nên để 4 môn. Vì như thành phố Hồ Chí Minh trước nay đều 3 môn. Hà Nội thi môn thứ 4 tôi biết là gắp thăm. Tôi nghĩ nên tính toán để đổi mới vì càng thi nhiều càng căng thẳng và tốn kém, cố gắng làm sao giảm nhẹ gánh nặng. Lý do nữa để chỉ nên thi 3 môn là vì lứa học sinh này vào THPT các em theo chương trình mới với môn bắt buộc và tự chọn. Nếu chẳng hạn năm nay gắp vào môn tự nhiên thì các em không học được môn tự nhiên sẽ thiệt thòi cả lúc thi lẫn khi chọn môn học ở bậc học mới vì không học mà phải thi. Điều này gây bất bình đẳng.
Và cái nữa chúng ta quên mất. Đó là tác động của Covid-19, ít nhất 3 năm học hành khá lộn xộn khi kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp. Các em đã khổ, đã áp lực rồi, giờ lại phải dành mấy tháng cuối cùng để học một môn nữa là không nên. Những người có quyền quyết định nên tính toán sao cho phù hợp, đừng vì oai mà đó là đổ gánh nặng cho xã hội. Xét ra thì 3 môn thi Toán- Văn- Ngoại ngữ chính là đại diện cho các lĩnh vực rồi. Chương trình phổ thông mới 3 môn này vẫn là bắt buộc.
PV: Sau năm nay, sẽ chỉ còn một lứa học sinh nữa học và thi theo chương trình cũ. Những năm tiếp theo thì có lẽ câu chuyện thi 3 hay 4 môn sẽ phải lùi vào dĩ vãng. Chương trình giáo dục phổ thông mới chắc chắn sẽ kéo theo đổi mới thi cử, trong đó có cả thi tuyển sinh, thưa ông?
Ông Đặng Tự Ân: Tôi cũng đồng tình với quan điểm này. Thêm một điều nữa tôi cũng muốn chia sẻ. Chúng ta cũng cần chấm dứt việc coi trọng Toán, Văn hơn Ngoại ngữ bằng việc nhân hệ số. Phải tính điểm bình đẳng. Khối đại học họ đã xét bình đẳng rồi nên khi thi tuyển sinh thì đừng phân biệt. Tôi vẫn nhấn mạnh việc tăng ưu tiên chứng chỉ nghề với điều kiện quản lý và thực thi chặt chẽ. Là bởi có một thời tất cả lũ lượt học nghề thi nghề để lấy điểm ưu tiên nhờ chứng nhận học nghề.
Tăng trường tư sẽ giảm áp lực thi cử?
PV: Rất đông học sinh trong khi trường công lại không đủ. Đây là thực tế đặt ra ở nhiều vùng đô thị, đặc biệt như ở các quận nội thành của Hà Nội. Một bài toán quá khó đặt ra với nhà quản lí, thưa ông?
Ông Đặng Tự Ân: Đúng là rất khó. Nhưng tôi cũng đã nói chuyện về trường công trường tư nhiều lần. Thực tế hiện nay học sinh trường tư của ta mới chỉ đạt 3,4% mà như một đại biểu Quốc hội nói chúng ta phải phấn đấu lên 10% học sinh học trường tư. Khi nhiều trường tư lên thì học phí (điều khó khăn nhất với phụ huynh) sẽ giảm xuống.
Thứ 2 là cơ chế, cách quản lý, mục tiêu của trường tư khác trường công. Nếu làm tốt thì không chỉ giải quyết được đầu ra của học sinh mà còn giải quyết được lương của giáo viên. Lương giáo viên trường tư tốt hơn trường công. Mà nếu bộ máy trường công ngày càng phình ra thì cũng cùng một cục lương đó chia nhỏ ra, đồng nghĩa lương giáo viên trường công thấp. Nhưng khi phân tán bớt ra, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục sẽ tăng lên, đời sống giáo viên tăng lên. Điều này cho thấy cần mở rộng trường tư để thay thế trường công sẽ triệt để nhiều câu chuyện thi cử. Lúc đó ngân sách tập trung cho trường công hơn, không bị dàn trải. Điều này là căn cơ, lâu dài.
PV: Thưa ông, trở lại câu chuyện giảm tải áp lực thi cử, xin ông chia sẻ quan điểm cá nhân từ cả góc độ người làm giáo dục và cả kinh nghiệm cá nhân đã trải qua?
Ông Đặng Tự Ân: Theo tôi nên bám sát tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong đó đã chỉ rõ phải chuyển đổi nhà trường, chuyển đổi giáo dục. Nhưng gì tốt đẹp thì nên duy trì phát triển. Và điểm cốt lõi nhất nằm ở dạy học phát triển năng lực học sinh. Tức là dạy học theo chuẩn năng lực và thái độ kỹ năng.
Cuối cùng tôi nghĩ dù cải cách gì mà không cải tiến đột phá thi cử thì cũng không thay đổi gì, thậm chí còn quay lại như cũ. Người Việt chúng ta rất hăng hái học để đi thi có kết quả. Giờ phải cân đối việc học với phát triển cảm xúc cho học sinh. Cho nên UNESCO người ta tăng cường xây dựng trường học hạnh phúc, tức là làm nhẹ quá trình học tập, dành thời gian để rèn người. Mục đích của giáo dục là dạy làm người chứ không phải dạy mỗi kiến thức. Từ triết lý giáo dục trong Nghị quyết 29 phải tính toán lại để có những hoạt động cụ thể cho giáo dục trong chặng đường tiếp theo. “365 ngày đến trường, thầy giáo và học sinh đều vui và hạnh phúc”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!