Nhu cầu lớn, trường lớp không đáp ứng

Một bé trai 17 tháng tuổi ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội tử vong sau 10 ngày đi học. Nhà chức trách đã tạm giữ hai bảo mẫu Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành với cáo buộc Giết người.

Là một phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non, chị Nguyễn Thị Hạnh vừa xót xa cho em bé vừa phẫn nộ trước hành vi mất nhân tính của 2 bảo mẫu. Chị Hạnh nhớ lại, chính con mình cũng từng rơi vào cảnh bị cô giáo “tác động” trong những ngày đầu đi nhà trẻ.

“2 vợ chồng đều bận đi làm nên 22 tháng tuổi đã gửi con tại một cơ sở trông giữ tư nhân. Ngày thứ 3 đến trường thì cháu có biểu hiện khóc, sợ đi học, gặp cô là khóc thét lên. Ba mẹ cũng nghĩ rằng phải mất tuần đầu thì con mới quen với môi trường mới. Thế nhưng, có lần mình kiểm tra camera thì thấy bé khóc to, cô dẫn bé ra góc khuất camera, các cháu khác ngơ ngác nhìn theo. Lúc sau, cô dẫn cháu trở lại trên tay cầm theo chai nhựa. Ba mẹ đã “làm việc” với cô giáo ngay sau đó nhưng cô phủ nhận đánh cháu. Tuy nhiên, con mình đã 22 tháng tuổi, cháu về nhà đã biết ấn tay này đập vào tay kia, mách là cô đánh. Vậy là gia đình cho cháu nghỉ luôn và phải nhờ ông bà trông hộ”, chị Hạnh kể.

Nơi trông giữ trẻ gần nhà, tiện đưa đón cùng với tâm lý đặt toàn bộ niềm tin vào cô bảo mẫu khiến chị Hạnh cũng như không ít phụ huynh rơi vào cảnh “chua xót” khi biết con bị bạo hành.

Nhắc đến câu chuyện bé trai 17 tháng tuổi ở Thường Tín bị bảo mẫu bạo hành dẫn đến tử vong, TS. Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học giáo dục kể, chính bà từng điều trị can thiệp cho một em bé ở Đà Nẵng bị cô giáo bạo hành dẫn đến tự kỷ. Theo TS. Oanh một bộ phận cha mẹ chưa đủ kỹ năng để lựa chọn trường phù hợp cho con. Tuy nhiên, không thể trách hoàn toàn phụ huynh bởi họ không có trình độ để kiểm tra, giám sát.

Trên thực tế cơ sở trông giữ tự phát – nơi 2 bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi từng bị xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín yêu cầu đóng cửa, xử phạt hai lần do không đảm bảo điều kiện hoạt động.

Mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, chưa nói đến những tiêu cực trong quản lý. TS. Oanh cho rằng vụ việc thương tâm xảy một phần trách nhiệm thuộc về địa phương khi buông lỏng kiểm tra, giám sát.

Chuyên gia giáo dục, TS. Vũ Thu Hương nhìn nhận vụ việc bé trai 17 tháng tuổi ở Thường Tín tử vong do bảo mẫu bạo hành là câu chuyện đau lòng tuy nhiên không duy nhất vì trước đó, nhiều vụ việc tương tự cũng đã xảy ra.

TS. Vũ Thu Hương cho rằng, các cơ quan giáo dục đang quản lý khuôn mẫu và chưa có tiêu chí phù hợp cho những nơi đặc thù. “Ví dụ địa điểm chúng ta nói đến có quá nhiều công nhân với nhu cầu gửi con đông nhưng không có cơ chế đặc thù để tạo ra ngôi trường với giá thành phù hợp, bắt buộc phụ huynh tìm đến cơ sở không ổn định về điều kiện, không có chuyên môn sâu nên trẻ em dễ gặp nguy hiểm. TS Hương cho rằng “với những vùng đặc thù phải có cơ chế đặc thù không thể nào áp cơ chế các vùng miền như nhau”.

Việc quá tải trong các khu đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM dẫn đến câu chuyện mỗi trường mầm non công lập mở ra chưa đầy một tháng đã lấp kín số học sinh. Tại nhiều nơi, đặc biệt là các khu công nghiệp 30-40% nhu cầu gửi trẻ phải trông chờ vào trường, lớp tư thục.

Bà Hà Thị Nhàn, chủ trường mầm non Tư Thục Trăng Non, Đông Anh, Hà Nội cho biết, do ở gần khu công nghiệp, cơ sở mầm non này chủ yếu trông giữ trẻ cho các gia đình công nhân làm ca kíp, có thời điểm 4-5 trẻ ngủ cùng cô buổi tối, có trẻ được bố mẹ gửi đến 9-10h đêm, có trẻ thì được gửi từ 5h sáng.

“Mặc dù ở sát trường công nhưng họ chỉ có thể gửi ở cơ sở tư nhân mới trông được như vậy”, bà Nhàn chia sẻ về nhu cầu gửi trẻ tại các khu công nghiệp.

Đội ngũ giáo viên, bảo mẫu thiếu hụt

Nhiều năm trở lại đây, dân số dồn vào các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM khiến cho nhu cầu trường trường luôn “nóng”. Trong khi đó, lương thấp, áp lực cao, sau Covid-19, một số lượng lớn giáo viên mầm non bỏ nghề dẫn tới thiếu hụt trầm trọng đội ngũ.

Sau dịch, nhiều trường mầm non dân lập ở Hà Nội đóng cửa vì điều kiện không đảm bảo và khó khăn trong tuyển dụng giáo viên. Nhu cầu gửi trẻ lớn trong khi thiếu trường lớp, thiếu giáo viên khiến phụ huynh đành xem chất lượng của cơ sở trông giữ trẻ trở thành thứ yếu.

TS. Trương Thị Kim Oanh phân tích, “biên chế giáo viên bị khống chế, một nhóm trẻ 6-12 tháng tuổi, một cô trông 5-6 cháu thì biên chế nào cho nổi. Nhà trẻ công lập không dám nhận cũng dễ hiểu vì họ không đủ điều kiện. Trong khi đó, việc gửi con ở ngoài theo nhu cầu của bố mẹ lại không cần điều kiện”.

“Những cơ sở thường xảy ra chuyện hầu như người trông giữ không có chứng chỉ, có những người cho rằng nghề này dễ dàng đến mức những người làm móng muốn chuyển nghề thì đi học mầm non để lấy chứng chỉ, kiếm tiền.”, TS. Oanh khẳng định.

Cần cơ chế đặc thù, nâng cao kỹ năng cho phụ huynh

Theo các chuyên gia cần phải xử lý thật nghiêm các cá nhân bạo hành trẻ, quy trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương. Đồng thời, cần cơ chế đặc thù cho những nơi khó khăn về cơ sở hạ tầng, thiếu trường lớp.

“Những nơi có quá đông thanh niên đang độ tuổi sinh nở, cần có quy hoạch hợp, phát triển cơ sở hạ tầng trường học, bệnh viện phù hợp với điều kiện dân cư”, TS. Vũ Thu Hương nêu.

Ngoài ra, TS. Vũ Thu Hương cũng cho rằng cần có những tư vấn, định hướng cho những người chuẩn bị làm cha mẹ, trong đó có kỹ năng chọn trường cho con.

Theo TS. Trịnh Thị Xim, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương, mỗi địa phương phải coi trọng đào tạo con người, nhất là giáo viên, có sự kết nối chặt chẽ giữa Bộ GD – ĐT, các cơ sở quản lý giáo dục địa phương.

Đồng thời, cân nhắc đến chương trình đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ. Một chương trình đào tạo chuẩn mực được kiểm định, giám sát nhiều khâu, cả đầu ra là yếu tố quan trọng.

“Người học sau khi ra trường đi hành nghề cũng cần có thông tin phản hồi để biết được họ có trách nhiệm hay không”, theo TS. Xim, đây không phải là việc khó khi có sự hỗ trợ của công nghệ số.

Cuối cùng, “phụ huynh cần chú ý kết nối tốt với các cơ sở mầm non, nhà trường để con được quan tâm, theo dõi con để phản hồi qua lại, cộng đồng trách nhiệm là điều quan tâm hơn cả”./.

Đã làm nghề mầm non thì không thể đổ lỗi cho việc thiếu kiểm soát cảm xúc!

TS. Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương cho rằng, chuẩn mực giao tiếp của cô phải tạo ra cảm giác an toàn cho trẻ.

Điều này phải được luyện tập, bồi dưỡng bài bản. Trong đào tạo sinh viên, luôn có hoạt động giữ thăng bằng, kiềm chế cảm xúc để sinh viên thẩm thấu thành thói quen, chuẩn mực ứng xử hằng ngày.

Đã làm nghề này phải thực sự yêu thương em bé, từ tiếng khóc, hờn dỗi, các thao tác hành vi đều phải cảm thấy các con đáng yêu. Nếu sự yêu thương chiếm ưu thế thì sẽ cư xử khác, không mất bình tĩnh.

“Đã làm nghề phải chuẩn chỉ nếu không thì từ chối hẳn công việc đó đi. Đây là điều chúng tôi vẫn dạy sinh viên”, TS. Trịnh Thị Xim./.