Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định dạy thêm, học thêm. Trong đó có nhiều quy định đáng chú ý như: Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; Giáo viên đang dạy tại các trường không được dạy thêm thu tiền của học sinh mà mình dạy ở trường.
Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường song phải báo cáo với hiệu trưởng.
Thông tư 29 cũng quy định, đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, chỉ tổ chức dạy học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; Bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp; Việc bồi dưỡng 3 đối tượng học sinh này thuộc trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền học của học sinh.
Cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Với những quy định này, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của hoạt động học thêm trong thời gian qua.
Bấm nghe chương trình:
(Ông Đặng Minh Tuấn – Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội)
Trong chương trình 30 phút cùng VOV2 ngày 8/1, ông Đặng Minh Tuấn – Giảng viên Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết, những quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là đúng đắn, văn minh, phù hợp thực tiễn.
"Với các quy định này nếu các thầy cô ở hệ thống trường công, trường tư nếu có năng lực, có nhu cầu thì hoàn toàn vẫn được tạo điều kiện dạy thêm bình thường. Chỉ có điều nếu giáo viên đang giảng dạy tại trường công lập thì không tham gia quản lý các cơ sở dạy thêm mà thôi", ông Đặng Minh Tuấn nói.
Trước sự băn khoăn, lo lắng và cả sự hụt hẫng của không ít giáo viên nếu thực thi đúng các quy định tại Thông tư 29 thì thu nhập của họ sẽ bị sụt giảm đáng kể, ông Đặng Minh Tuấn thừa nhận, nhiều giáo viên hiện có khoản thu nhập đáng kể ở bên ngoài nhà trường từ hoạt động dạy thêm. Tuy nhiên, thời điểm ban hành Thông tư 29, lương, phụ cấp của nhà giáo khu vực công lập đã được cải thiện đáng kể.
"Chắc chắn trong lòng mỗi giáo viên có những tâm tư nhưng tôi nghĩ đây cũng là động lực thúc đẩy mạnh mẽ để mỗi giáo viên tự nâng cấp bản thân; để hoạt động dạy thêm, học thêm được tổ chức theo đúng quy định", ông Tuấn nêu quan điểm.
Theo quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định; Quản lí giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên đang dạy học tại nhà trường.
Ngoài ra, Hiệu trưởng cũng chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; việc quản lí, sử dụng kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định.
Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Ông Đặng Minh Tuấn cho rằng, để thực thi được những quy định tại Thông tư 29, vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng rất lớn. Nếu bất kỳ giáo viên nào vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, Hiệu trưởng có quyền kỷ luật, cách chức, chấm dứt nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó là trách nhiệm của Sở, phòng GD-ĐT, địa phương và phụ huynh.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng để quản lý việc dạy thêm, học thêm đúng quy định thì nhất thiết phải cải thiện chất lượng giảng dạy trong mỗi giờ dạy của đội ngũ giáo viên.
Trong một tiết dạy cụ thể, giáo viên phải đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết của bài học. Nếu không đảm bảo chất lượng giờ dạy thì bằng cách này hay cách khác phụ huynh lại cho con đi học thêm.
"Cần tăng cường học liệu, bài giảng điện tử để cung cấp cho học sinh trong trường hợp thời lượng giảng dạy trên lớp không đủ trang bị cho học sinh. Đồng thời giảm tải chương trình, giảm tải các kỳ thi... sẽ giảm nhu cầu học thêm, dạy thêm", ông Đặng Minh Tuấn chia sẻ.