Ngày 7/6, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thứ ba về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Các chất vấn xoay quanh giải pháp bứt phá công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường công nghệ Việt Nam... Trong đó, việc thu hút và chiêu mộ nhân tài được nhiều đại biểu quan tâm.
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nêu cho rằng, điểm “kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam.
Theo đại biểu, thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ là nhân tài ở các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…
Cùng quan điểm với đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên còn cho rằng, vấn đề hiện nay là thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành. Đây là câu chuyện không mới, nhưng vẫn rất nhức nhối.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa bày tỏ băn khoăn, tại sao trong thời chiến tranh, thời kỳ bao cấp, kinh tế rất khó khăn, thông tin ít, nhưng rất tự hào vì có đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành và đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Còn bây giờ, trong điều kiện công nghệ phẳng, tiếp cận với khoa học trên thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã đã tốt hơn nhiều, đội ngũ khoa học đầu ngành lại thiếu hụt.
Bộ Khoa học Công nghệ cần thống kê trong các lĩnh vực khoa học của đất nước ta, các trường, các Viện nghiên cứu để còn biết thiếu bao nhiêu nhà khoa học đầu ngành, và thiếu trong lĩnh vực nào. Nếu không có sự cặn kẽ, chi tiết như vậy thì chắc chắn sau phiên chất vấn, vấn đề thiếu hụt các nhà khoa học đầu ngành vẫn còn đó.
“Khoa học cần những sản phẩm rất cụ thể, cần những giải pháp rất cặn kẽ, đi vào con người, đi vào chính sách, đi vào đơn vị. Tôi nghĩ Bộ Khoa học, Công nghệ và tiềm lực của đất nước chúng ta cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu thì đây là thời cơ để chúng ta giải quyết vấn đề này một cách căn cơ”, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.
Còn đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định thì đề nghị Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian tới đây sẽ phương án như nào để chiêu mộ nhân tài về Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, đầu tư về nguồn lực, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phù hợp giúp các nhà khoa học phát huy tối đa khả năng của mình, sẵn sàng cống hiến cho khoa học, từ đó tạo điều kiện bứt phá về công nghệ là điều mà Bộ Khoa học và công nghệ đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, đây cũng là điều rất trăn trở khi ông về nhận công tác ở Bộ Khoa học và công nghệ, cũng như trước đây ở cơ sở giáo dục đại học. "Có chủ trương, nhưng khi triển khai rất loay hoay do vướng quy định, luật công chức, viên chức, quy định về tài chính", Bộ trưởng nói.
Vừa qua, Bộ Khoa học và công nghệ triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ đang xây dựng đề án, cố gắng để thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất. Bộ sẽ lấy ý kiến cơ quan quản lý, địa phương và các nhà khoa học, đồng thời, Bộ trưởng cũng mong các đại biểu Quốc hội đóng góp cho đề án này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng khẳng định, điểm cốt lõi trong chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài lĩnh vực công nghệ, là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.
Bên hàng lang Quốc hội, đại biểu Lý Anh Thư – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cho rằng hiện nay, chưa có chính sách, cơ chế đặc thù để khoa học công nghệ thực sự mang tính đột phá.
Bên cạnh đó, hệ thống quy định pháp luật còn thiếu sự đồng bộ, không thống nhất giữa quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về khoa học và công nghệ… Chính vì vậy, chưa thu hút được nhân tài nói riêng và phát triển khoa học công nghệ nói chung.
Do đó, đại biểu Lý Anh Thư kỳ vọng, những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đã nêu trong phiên chất vấn sẽ sớm được triển khai để khoa học công nghệ sẽ được đầu tư và phát triển hơn.
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên mong rằng, sau phiên chất vấn, Bộ trưởng sẽ đánh giá khách quan và nhìn nhận lại, nhìn nhận đúng về công tác nghiên cứu khoa học sáng tạo từ trước tới nay. Từ đó có những giải pháp phù hợp, kịp thời để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, cũng như đổi mới sáng tạo trong ngành khoa học của quốc gia.