Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Hiểu về khái niệm "Ngôn ngữ thứ hai" trong kết luận của Bộ Chính trị
Khái niệm “ngôn ngữ thứ 2” theo TS Vũ Thị Thanh Nhã, Trưởng khoa Tiếng Anh, đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội có thể được hiểu theo nhiều bối cảnh khác nhau. Đối với các gia đình nhập cư vào các nước nói tiếng Anh khi tiếng mẹ đẻ của họ khác tiếng Anh thì tiếng Anh được xem là ngôn ngữ thứ 2. Ví dụ như Singapore và Ấn Độ, ngôn ngữ thứ nhất là tiếng mẹ đẻ, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2, được dùng trong hành chính và làm việc. Còn ở Việt Nam tiếng Anh cũng có thể là ngôn ngữ thứ hai được một số người học sau tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Nhưng cũng có thể ở vị trí ngôn thứ ba được học sau tiếng mẹ đẻ (các ngôn ngữ khác nhau của đồng bào thiểu số) và sau tiếng Việt.
Từ những phân tích mang tính khoa học về ngôn ngữ, TS Thanh Nhã cho rằng khái niệm “Ngôn ngữ thứ hai trong trường học” trong kết luận của Bộ Chính trị được hiểu rằng sẽ tạo ra môi trường sử dụng tiếng Anh tốt hơn trong nhà trường, nâng cao động lực để người học dùng cho học tập, công việc một cách rõ ràng, không học chỉ để thi qua môn.
Ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng vẫn luôn được quan tâm, thúc đẩy
“Ở vai trò giáo viên tiếng Anh nên khi nhận được thông tin này, tôi vui khi tiếng Anh có được sự ghi nhận chính thức về mặt chính sách. Và như thế sẽ có sự ủng hộ lớn hơn về nguồn lực cho việc dạy tiếng Anh. Trên thực tế hiện nay, tiếng Anh trong những năm qua trở thành lựa chọn của đa phần người học trong nhà trường với khoảng 97% người học. Cá nhân tôi khẳng định mục tiêu là tốt. Còn có khả thi hay không còn phụ thuộc vào quá trình triển khai và nguồn lực dành cho mục tiêu này. Và từ ngữ trong kết luận cũng rất mềm mại, xác định “từng bước”, chứ không nói là bắt buộc phải đạt mục tiêu ”, TS Vũ Thị Thanh Nhã chia sẻ.
Dựa vào thực tế giảng dạy bậc đại học cũng như quan sát ở bậc phổ thông, TS Thanh Nhã cho rằng khó khăn lớn nhất cho việc dạy học tiếng Anh chính ở sự khác biệt trong điều kiện thực hiện giữa các vùng miền. Tại các khu vực có điều kiện thuận lợi, người học có giáo viên, sách vở, thời gian học tiếng Anh. Trong khi các khu vực khó khăn lại không có đủ giáo viên hay tư liệu học tập. Khác biệt này có thể thấy rõ khi nhìn vào bảng đồ thị điểm thi tiếng Anh hàng năm. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có khả năng khắc phục trong điều kiện công nghệ phát triển cung cấp học liệu, giáo viên miễn phí. Vấn đề nằm ở việc người học xác định được mục tiêu cũng như duy trì được việc học tập, rèn luyện và sử dụng.
Câu chuyện dạy học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng không phải đến thời điểm này mới nhận được sự quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, có quá nhiều thách thức đặt ra suốt trong quá trình nỗ lực để tiếng Anh thực sự vượt ra khỏi giới hạn của việc học để thi, trở thành công cụ sử dụng thuần thục trong xã hội ngày càng hội nhập sâu rộng.
Trước kết luận này, dạy ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng đã nhận được sự quan tâm cũng như chỉ đạo như đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là Đề án 2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng đến năm 2017 đề án này bị đánh giá là chưa đạt mục tiêu, phải kéo dài và điều chỉnh mục tiêu đến năm 2025.
Tuy nhiên TS Thanh Nhã cho rằng đề án này cũng đã làm được rất nhiều việc, được đồng nghiệp các nước trong khu vực đánh giá cao như có được một hệ thống chính sách, công cụ, tài liệu, nguồn lực để đào tạo giáo viên tiếng Anh, kéo theo kết quả đào tạo người học ngày càng tốt lên.
Ở Đề án 2020 đến phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 chỉ có một phần nhỏ về phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên đề cập tới tiếng Anh. Nhưng ở kết luận của Bộ Chính trị ngày 12/8 vừa qua chỉ nhắc tới tiếng Anh. Có nghĩa là phạm vi mục tiêu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 đã xác định cụ thể hơn. Việc xác định đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ 2 trong trường học theo TS Thanh Nhã không mâu thuẫn với việc dạy các ngoại ngữ khác mà chỉ thể hiện tập trung vào việc tạo môi trường, cơ chế cho môn tiếng Anh được phát triển ở mức cao hơn, người học có thể dùng tiếng Anh để học môn học khác, chuyên ngành khác.
Có nhiều bài học kinh nghiệm để Việt Nam học tập nhằm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai
Riêng với việc phổ cập tiếng Anh không chỉ trong phạm vi nhà trường, TS Thanh Nhã cho rằng có nhiều quốc gia xung quanh đi trước, đã thu được kết quả và Việt Nam hoàn toàn có thể học tập theo điều kiện thực tế. Ví dụ như học tập Singapore về việc đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính. Học tập Malaysia về chính sách dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ dạy Toán và Khoa học giúp người học tiếp cận với kiến thức mới trong khoa học và công nghệ
Việc nhiều trường đại học hiện nay sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOFIC, SAT…làm căn cứ xét tuyến đã tạo nên sự bùng nổ của dạy và học luyện. Nhiều ý kiến cho rằng điều này tạo nên sự bất công trong giáo dục. Tuy nhiên, TS Thanh Nhã khẳng định việc sử dụng chứng chỉ nằm trong chính sách chung, giao cho các trường đại học tự chủ về tuyển sinh. Các trường lựa chọn các chứng chỉ này với mong muốn lựa chọn người học có khả năng ngoại ngữ, đủ khả năng theo học các chương trình quốc tế, chương trình tiên tiến dạy bằng tiếng Anh. Đồng thời cụ thể hóa một trong những mục tiêu đặt ra cho đề án ngoại ngữ từ năm 2008 với sự hợp tác với các trường nước ngoài.
“Cá nhân tôi khi đánh giá một chính sách thì tôi đều thấy có nhóm sẽ được hưởng lợi và có nhóm sẽ chịu thiệt thòi. Trách nhiệm của người làm chính sách là phải có biện pháp để tạo ra sự cân bằng. Chính vì thế tôi thấy trong đề án tuyển sinh đều có chia tỷ lệ cho các nhóm xét tuyển khác nhau. Và một thực tế chúng ta phải nhìn nhận là khả năng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ là một yêu cầu giúp sinh viên tốt nghiệp dễ dàng hơn, thuận lợi hơn khi tìm kiếm một công việc”, TS Thanh Nhã bày tỏ.
Bên cạnh đó, nhìn từ câu chuyện IELTS hay các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác trong việc thúc đẩy học tập và rèn luyện ngoại ngữ, trước câu hỏi liệu chúng ta có làm cách nào để các nội dung dạy học trong hệ thống trường phổ thông hiện nay tạo thành động lực giống như đã thấy? TS Thanh Nhã phân tích động lực tạo ra khi người học nhìn thấy rõ kết quả của quá trình học ngoại ngữ của mình được dùng như thế nào? Do đó, ngoài việc tổ chức giảng dạy thì việc tạo ra môi trường, tạo ra mục đích rõ ràng cho việc học sẽ là động lực tốt nhất.
Mời quý thính giả bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa BTV VOV2 cùng TS Vũ Thị Thanh Nhã: