Đó là phát biểu của PGS. TS. Ngô Minh Thủy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) tại Hội thảo khoa học "Tiếng Pháp như là ngoại ngữ tại Châu Á Thái Bình Dương – Vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trong thế giới đa ngôn ngữ và đa văn hóa" chiều 26/4.

Hội thảo do Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) và Khoa Pháp, Trường Đại học ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức.

Mục đích của buổi Hội thảo là nghiên cứu bức tranh tổng thể về đào tạo ngoại ngữ cũng như chiến lược ngôn ngữ nói chung ở Việt Nam và khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, góp phần vào sự nghiệp giáo dục và phát triển đất nước. Hội thảo cũng đánh giá tầm quan trọng, hiện trạng và tiềm năng của đào tạo tiếng Pháp trong tương quan với các ngoại ngữ khác, góp phần tăng cường sự hiểu biết về văn hóa và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, ở bậc phổ thông, toàn quốc có 35 tỉnh/thành phố giảng dạy tiếng Pháp. Ở bậc đại học, tiếng Pháp có mặt tại rất nhiều trường với tư cách là môn ngoại ngữ hoặc môn ngoại ngữ thứ hai, bên cạnh đó có 15 trường đại học giảng dạy tiếng Pháp như môn chuyên môn hoặc tuyển sinh bằng tiếng Pháp.

Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia trong khu vực, do tác động của các chính sách ngôn ngữ và bối cảnh kinh tế - xã hội, tiếng Pháp đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các ngôn ngữ nước ngoài khác, đặc biệt là tiếng Anh.

PGS. TS. Ngô Minh Thủy - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) cho rằng: Không thể phủ nhận vai trò của tiếng Anh nhưng thế giới đang thay đổi theo xu hướng đa chiều, đa phương, đa cực. Bởi vậy, chỉ mỗi tiếng Anh không sợ rằng chưa đủ mà mỗi ngôn ngữ, trong đó có tiếng Pháp, đều có vị trí, vai trò riêng, mặc dù mức độ có thể tăng lên hoặc giảm đi tùy theo nhu cầu của xã hội ở mỗi giai đoạn. Hiện nay, nhiều người chọn học tiếng Anh một phần vì chúng ta chưa thông tin đầy đủ cho các phụ huynh, học sinh bức tranh tổng thể về cơ hội và lợi ích mà các ngôn ngữ khác có thể mang lại.

Cũng trong ngày 26/4, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) còn tổ chức Chung kết cuộc thi hát tiếng Pháp dành cho học sinh, sinh viên với mong muốn phát hiện những giọng ca tiếng Pháp trong học sinh, sinh viên, đồng thời khích lệ tình yêu với tiếng Pháp, văn hóa và âm nhạc Pháp. Qua đó, thúc đẩy việc học tập - nghiên cứu tiếng Pháp và văn hóa Pháp tại Việt Nam.

Các tiết mục trình diễn trong buổi Chung kết là các tiết mục xuất sắc được Hội đồng Giám khảo gồm các chuyên gia về ngôn ngữ, giáo dục và âm nhạc lựa chọn từ rất nhiều tiết mục tham gia dự thi. /.