10 năm trở lại đây, cái tên Phan Mạnh Hưởng khá nổi tiếng trong giới khoa học vật liệu quốc tế bởi những công trình nghiên cứu hiệu quả, những công bố quốc tế và hơn cả là những tác động của anh trong việc kết nối các nhà khoa học, tổ chức các hội thảo quốc tế và đặc biệt là tìm học bổng, hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh Việt nam cũng như sinh viên quốc tế đi theo con đường khoa học với những định hướng nghiên cứu mới. Nhưng ít ai biết rằng nhà khoa học ấy có xuất phát điểm rất bình thường, anh từng là học trò ở một trường cấp ba không có tên tuổi với tỷ lệ học sinh thi đỗ Đại học 2%/ năm và anh cũng chưa từng nghĩ mình sẽ đỗ đại học chứ chưa nói gì đến việc trở thành một giáo sư, một nhà khoa học.

Câu chuyện bắt đầu từ kỳ nghỉ hè năm lớp 11, cậu học trò nghịch ngợm quê Thái Bình là Phan Mạnh Hưởng được bố mẹ cho tới Ninh Bình chơi – đây là nơi chị gái của Phan Mạnh Hưởng đang công tác. Chính ở nơi đây, tình cờ Hưởng quen một thầy giáo cấp ba và được thầy cho vào lớp học thêm của thầy. Phương pháp dạy của người thầy ấy đã tác động mạnh mẽ đến cậu học sinh trường huyện nhất là ở môn vật lý. Ba tháng hè trôi đi rất nhanh, Hưởng trở về trường với vốn kiến thức đã được củng cố khá vững chắc và quan trọng hơn là một quyết tâm phải thi đỗ vào Đại học chuyên ngành Vật lý.

Cơ duyên nối tiếp cơ duyên, Phan Mạnh Hưởng thi đỗ vào khoa Lý, trường ĐHKHTN (ĐHQG Hà Nội). Và ở đây, cậu sinh viên ấy lại gặp được những người thầy - những "cây đa, cây đề" trong giới vật lý như GS Nguyễn Châu, GS Bạch Thành Công …để rồi chính tài năng và nhiệt huyết của họ đã nhen lên ngọn lửa đam mê khoa học trong anh. Mỗi lần nhắc đến người thầy đáng kính mà anh coi như người cha thứ hai là GS Nguyễn Châu, Phan Mạnh Hưởng rất xúc động. Theo anh, điều may mắn là trong thời sinh viên được sống và học tập trong cái nôi kiến thức, cái nôi nhân văn để rồi sau này anh có một khát khao muốn làm gì đó tiếp nối những điều mà các thầy đã làm.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Phan Mạnh Hưởng được học bổng sang Hàn Quốc học thạc sỹ, 2 năm sau đó anh nhận học bổng của chính phủ Anh và sang Anh làm tiến sĩ trong thời gian 3 năm trước khi sang Mỹ làm giáo sư. Ngành vật lý chất rắn là cái gốc anh được đào tạo và từ cái gốc này anh theo đuổi hướng nghiên cứu lĩnh vực khoa học vật liệu, vật liệu từ vật liệu chất rắn.

Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, tấm gương của những người thầy ở trường ĐHKHTN(ĐHQG Hà Nội) luôn là điểm tựa cho Phan Mạnh Hưởng trong những chặng đường anh đi, trong niềm đam mê anh theo đuổi. Nhớ về các thầy, nghĩ tới những khó khăn về cơ sở vật chất, về điều kiện nghiên cứu mà các thầy phải đối mặt để cho ra những công trình khoa học giá trị được bạn bè quốc tế thừa nhận, Phan Mạnh Hưởng càng chuyên tâm hơn với con đường nghiên cứu của mình. Hàng trăm bài báo quốc tế đã đưa tên tuổi của chàng cựu sinh viên K41 khoa Lý, trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) vào danh sách những nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật liệu. Việc anh được tuyển vào vị trí giáo sư ở trường ĐH Nam Florida lại lần nữa chứng minh tài năng của một trí thức Việt Kiều.

Trong quá trình làm việc và giảng dạy, GS Phan Mạnh Hưởng còn chủ động kết nối với những nhà khoa học ở Việt Nam để cộng tác và hỗ trợ họ. Mỗi năm vào kỳ nghỉ hè, anh thường về Việt nam tham gia giảng dạy, nói chuyện với sinh viên khoa lý và học sinh khối chuyên lý hoặc cùng làm việc với các đồng nghiệp ở phòng thí nghiệm của trường ĐHKHTN. Những hội thảo quốc tế do anh tổ chức đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của nhiều nhà khoa học quốc tế và tạo môi trường học thuật cho những nhà khoa học Việt Nam.

Với uy tín khoa học của mình, GS Phan Mạnh Hưởng được mời làm đồng trưởng ban biên tập chuyên san ISI Vật liệu và linh kiện tiên tiến - đây là chuyên san ISI duy nhất của Việt Nam. Việc ra đời chuyên san này không chỉ thu hút sự tham gia của các nhà khoa học trong nước mà thực sự đã nâng tầm cho khoa học Việt nam đối với bạn bè quốc tế. GS.TS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, đồng trưởng ban biên tập chuyên san đánh giá rất cao những cống hiến của GS Phan Mạnh Hưởng trong công tác đào tạo và nghiên cứu. GS Phan Mạnh Hưởng đã cùng người thầy kính yêu của mình nghiên cứu phát triển vật liệu tự nhiên chế tạo ra máy lạnh. Cùng GS Nguyễn Hoàng Lương và các nhà khoa học Hàn Quốc nghiên cứu những vật liệu từ có cấu trúc nano và tìm các giải pháp ứng dụng vật liệu này cho điều trị ung thư. Anh có 25 công trình nghiên cứu, 25 bài báo ISI công bố chung với các nhà khoa học ĐHQG Hà Nội. Đặc biệt là với sự tích cực chủ động của mình GS Phan Mạnh Hưởng đã cùng ĐHQG Hà Nội xây dựng và vận hành, phát triển thành công một tạp chí duy nhất ở Việt Nam hiện nay nằm trong cơ sở dữ liệu của tạp chí ISI.

Cũng theo GS Nguyễn Hữu Đức, hiện nay trên thế giới có khoảng gần 20 nghìn tạp chí chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Những nước xung quanh chúng ta như Malaysia, Thái Lan, ...cũng có hàng chục tạp chí đạt chuẩn ấy. Tuy nhiên ở Việt Nam, một nước đông dân số, lực lượng các nhà khoa học rất lớn nhưng cách đây khoảng 5 năm thì chúng ta không có một tạp chí nào đạt chuẩn quốc tế và nằm trong cơ sở dữ liệu của ISI. Chính vì vậy, ĐHQG Hà Nội đã chủ trương đầu tư để Việt Nam có thể phát triển được một số tạp chí đạt chuẩn quốc tế. Để thực hiện điều đó, ĐHQG Hà Nội đã tìm kiếm, thu hút, động viên một số nhà khoa học ở nước ngoài cùng tham gia với ĐHQG Hà Nội triển khai dự án này và ĐHQG Hà Nội đã nhận được sự tham gia rất tích cực, tự giác và có trách nhiệm rất cao của giáo sư Phan Mạnh Hưởng. Với nỗ lực của giáo sư cùng tập thể các nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội và một số các nhà khoa học trong nước, sau 5 năm ( từ năm 2016 đến 2020) tạp chí vật liệu và linh kiện tiên tiến đã lọt vào danh sách các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Scopus và ISI, đặc biệt nữa khi mà tạp chí này mới xuất hiện và được công nhận vào cơ sở dữ liệu của ISI thì tạp chí cũng nhận được một chỉ số ảnh hưởng (impact factor) rất cao. Năm ngoái, chỉ số này đã là 3,8 và theo dự kiến của ban biên tập năm 2021 này tạp chí sẽ nhận được chỉ số IF lớn hơn 5. Đây là một chỉ số khẳng định tạp chí này có chất lượng và nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới.

Việc được Đại học Quốc gia Hà Nội tặng bằng tiến sĩ danh dự là niềm vui đầu năm Tân Sửu đối với GS Phan Mạnh Hưởng. Năm 2020 do dịch bệnh covid -19 không thể về Việt Nam trực tiếp thực hiện những hoạt động thường niên theo kế hoạch của mình vào mỗi kỳ nghỉ hè nhưng anh vẫn giành rất nhiều thời gian và công sức hỗ trợ các hoạt động khoa học ở quê nhà. Với GS Phan Mạnh Hưởng anh luôn cảm thấy mình may mắn vì được học ở trường ĐHKHTN( ĐHQG Hà Nội), nơi khơi nguồn cho tình yêu khoa học của anh và vì thế anh muốn cống hiến thật nhiều cho đất nước.

Sống xa Tổ quốc hơn 20 năm và hoạt động trong lĩnh vực khoa học ở tầm quốc tế nhưng dường như chất Việt còn nguyên trong nhà khoa học này. Không quên check mail, không quên trả lời tin nhắn hay comment vào rất nhiều bức ảnh đời thường của bạn bè … trồng hoa và những thứ cây quen thuộc có xuất xứ từ Việt Nam ngay trong vườn nhà, tự gói bánh chưng ngày Tết… Bằng cách sống, sự cống hiến của mình, GS Phan Mạnh Hưởng đã luôn tự khẳng định “tôi là người Việt Nam".