Những bạn trẻ yêu thích sự hoàn hảo

Ngay từ khi còn học cấp ba cho đến khi lên đại học, Quỳnh Chi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn tình nguyện là người cuối cùng hoàn thiện nhiệm vụ chung. Khi được giao làm bài tập thuyết trình nhóm, Chi luôn sẵn sàng chỉnh sửa lại sản phẩm slide nếu cảm thấy chưa được ưng ý bất chấp mất thời gian và công sức.

“Có những lần em phải thức đến 3-4h sáng chỉ để chỉnh sửa lại một bản slide làm sao để mình cảm thấy hài lòng và ưng ý nhất. Nhưng em thích điều đó nên cũng không thấy quá vất vả gì, còn hơn là nhìn một sản phẩm không ưng ý em còn cảm thấy khó chịu hơn”, Chi chia sẻ.

Minh Anh, một bạn trẻ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng là một người yêu thích sự tròn trịa, mọi thứ phải đúng theo quy luật và trật tự của nó. Em đưa ra ví dụ, giá sách em thường sắp xếp theo chủ đề. Nếu ai lấy sách ra mà không để lại đúng như vậy, em thường phải xếp lại ngay. Hoặc khi làm một việc gì, em thường chỉnh đi chỉnh lại để mọi thứ tốt nhất, hoàn hảo nhất. “Mọi người cho rằng như thế là mất thời gian, còn em thấy bình thường”, Minh Anh bộc bạch.

Yêu cầu cao với bản thân và luôn mong muốn mọi thứ hoàn hảo, Quỳnh Chi và Minh Anh luôn theo đuổi niềm vui theo cách của riêng mình.

Cầu toàn là một tính cách cần có trong mỗi tập thể

Theo chị Nguyễn Hà Thành, một người quá cầu toàn luôn yêu cầu cuộc sống, mọi thứ xung quanh phải thật chu đáo, chi tiết, phải được kiểm tra và sắp đặt kỹ lưỡng. Nếu mọi thứ chạy ra khỏi quỹ đạo đó, người cầu toàn sẽ cảm thấy bất an, không thoải mái và họ sẽ tìm mọi cách để giữ lại trật tự đấy.

Người cầu toàn thường đòi hỏi rất cao ở bản thân mình, chính vì vậy họ thường cảm thấy áp lực. Ngay kể cả khi nhận được lời khen nhưng họ vẫn cảm thấy chưa hài lòng, thậm chí dằn vặt “đáng lẽ ra mình còn có thể làm được tốt hơn nữa”. Điều này vô tình khiến chính bản thân họ cảm thấy căng thẳng không cần thiết và những người xung quanh đôi khi cũng cảm thấy áp lực theo.

Một người cầu toàn có rất nhiều ưu điểm. Khi ai đó giao việc cho người cầu toàn họ luôn cảm thấy yên tâm và không phải lo lắng gì. Bạn trẻ có tính cầu toàn làm công việc trong ngành dịch vụ rất tốt vì các bạn này thường có thể thỏa mãn yêu cầu của những khách hàng khó tính nhất. Tuy nhiên, các bạn có tính cầu toàn dễ gặp stress, dễ bị căng thẳng và dễ bị kiệt sức hơn.

Trong một tập thể, trong một nhóm người luôn luôn có nhiều nét tính cách khác nhau, có những người cầu toàn hơn những người khác. Quan trọng là những tính cách đó bù trừ cho nhau có được hiệu quả công việc tốt.

Người cầu toàn sống chung trong một tập thể - làm sao để dung hòa?

Trong giao tiếp luôn có ranh giới. Nếu chúng ta thiết lập được ranh giới đó thì người cầu toàn hay người xuề xòa vẫn có thể chung sống tốt với nhau.

Chị Hà Thành đưa ra ví dụ, các bạn sinh viên xa nhà thường sống chung trong ký túc xá hay nhà trọ. Khi đó nên hình thành nguyên tắc chúng, ví dụ những đồ vật cá nhân nào người khác không được đụng đến hoặc cần thì phải hỏi nhau như thế nào.

Các bạn cầu toàn cho phép mình được cầu kỳ, được kỹ tính thì cũng phải cho phép những người khác được sống với nguyên tắc của họ. Không được lấy kiểu sống của người này, phong cách sống của người này để áp đặt lên người khác. Như vậy sẽ hiến cả đôi bên cùng căng thẳng. Còn những gì là việc chung cần phải quy vào nguyên tắc chung.

Ở mặt tích cực, tính cầu toàn sẽ thúc đẩy bản thân bạn nỗ lực hơn khi học tập, làm việc và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu bạn là một người cầu toàn, không nên quá nghiêm khắc với bản thân, tránh tâm lý tuyệt vọng khi không đạt được kỳ vọng và hãy học cách cân bằng mọi thứ.

Nghe tư vấn của TS Nguyễn Hà Thành: