Du lịch thu tiền mang danh trải nghiệm

“44 người mà ngủ chung trên một sàn tầm 35 người, các bác phụ huynh chui vào một cái phòng nhỏ, thầy chủ nhiệm còn phải nằm ghế”. Ngủ chỉ là một trong vô vàn vấn đề nảy sinh trong hoạt động trải nghiệm 2 ngày tại Mộc Châu mà chị D, một phụ huynh ở nội thành Hà Nội vừa cùng con tham gia với nhà trường.

Với mức phí thu 1,2 triệu đồng/ học sinh theo chị D về cơ bản phụ huynh chấp nhận được. Tuy nhiên, bữa ăn không đảm bảo về chất lượng cũng như không hợp khẩu vị nên thức ăn thì thừa mà học sinh vẫn đói. Nhiều ban phụ huynh đi cùng các lớp đã phải tự liên hệ bỏ thêm tiền để đổi thực đơn hoặc đặt mua thêm thức ăn cho học sinh lớp mình. Tổng số tiền mỗi phụ huynh phải đóng để con tham gia chuyến trải nghiệm tùy lớp sẽ khoảng 1,4 đến 1,7 triệu đồng.

Nhưng điều đáng nói, hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 10 khác xa so với tưởng tượng của chị D. Toàn bộ học sinh 3 khối lớp với khoảng gần 2000 em đổ về một địa điểm trong cùng một thời điểm gây quá tải về dịch vụ, đồng thời khiến cho những phụ huynh cùng tham gia lo lắng trong công tác quản lý, giám sát.

Không xác định mục tiêu, chẳng có hướng dẫn học sinh về mục đích chuyến đi. Hoạt động trải nghiệm trong năm đầu tiên con bước vào cấp THPT chỉ dừng lại là "một đêm cho các em “quẩy, xõa” hết mình trước đợt kiểm tra học kỳ 1", vị phụ huynh này kết luận.

Bài thu hoạch các em phải viết sau chuyến đi được coi như sản phẩm hoạt động trải nghiệm. Nhưng trước đó, công việc chuẩn bị của giáo viên, học sinh và cả BPH chỉ tập trung vào các phần việc liên quan đến ăn, ngủ, nghỉ, chơi.

Những điểm đến hầu như na ná nhau, tập trung ở các điểm du lịch, các khu du lịch sinh thái ở Hòa Bình, khu thắng cảnh Tràng An- Bái Đính, khu du lịch FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa hay Mộc Châu, Sơn la… Tất cả các hoạt động này đều được thực hiện từ nguồn kinh phí của phụ huynh học sinh. Nhưng cha mẹ khó từ chối không con em mình tham gia khi hình thức du lịch đóng phí được gắn mác một môn học bắt buộc.

“Thực ra đến các điểm di tích hoặc những điểm thắng cảnh đẹp gắn với văn hóa, lịch sử hoặc cư dân địa phương, các bạn hướng dẫn viên cũng có chia sẻ nhưng vì thời gian ít, di chuyển nhiều và quá đông học sinh nên các con không thể tập trung nghe cũng như ghi nhớ”, một phụ huynh cùng tham gia chuyến trải nghiệm chia sẻ.

Trải nghiệm - hướng nghiệp có nhiều cách làm

Việc tổ chức các chủ đề học tập tích hợp liên môn bên ngoài lớp học là một trong những hình thức dạy học khác nhau được Bộ GD-ĐT cho phép từ nhiều năm trước. Theo thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh trung học, các nhà trường được chủ động trong việc áp dụng các cách đánh giá học sinh theo những hình thức dạy học đa dạng như dự án học tập, thực hành thí nghiệm, dạy học gắn với di sản, gắn với sản xuất kinh doanh...

Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội, nếu theo đúng hướng dẫn, chương trình Hoạt động Trải nghiệm- Hướng nghiệp có rất nhiều hình thức khác nhau. Giáo viên sẽ được phân công dạy 1 tiết trên lớp. Ngoài ra nhà trường xây dựng các kế hoạch cho học sinh trải nghiệm như đi xem kịch, tìm hiểu bảo tàng. Thực tế học sinh của trường đã có những chuyến đi ngắn như Bảo tàng phòng cháy chữa cháy, tham quan Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Phụ nữ. Tất cả các hoạt động trải nghiệm này đều có sự chuẩn bị của thầy trò trước và trong mỗi trải nghiệm. Sau đó học sinh trả kết quả bằng các bài thu hoạch.

Ở trường THPT Thực Nghiệm, thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, một buổi trải nghiệm đến nhà hát kịch không đơn thuần là một buổi đi xem nhà hát. Trước đó, học sinh được tìm hiểu tác giả, tác phẩm. Kết thúc buổi diễn, các em được giao lưu với diễn viên để hiểu tâm trạng, cách thức nhập vai và sau đó về làm báo cáo nộp lại cho giáo viên.

Theo Th.s Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm, các hoạt động trải nghiệm của trường đã được lập kế hoạch và tổ chức thuần thục qua nhiều năm, không chờ đến khi triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông mới 2018.

“Trải nghiệm chia làm hai phần gồm trải nghiệm trong môn học và trải nghiệm ở các hoạt động giáo dục khác. Trong môn học thì trải nghiệm được tổ chức ở nhiều địa điểm như khu sinh thái, các bảo tàng,… tức là ngoài khuôn viên trường học để học sinh gắn với thực tế. Các trải nghiệm ngoài giờ được xây dựng theo chủ đề như kĩ năng sống, bình đằng giới, môi trường… Tất cả tùy thuộc nhu cầu cũng như tình hình thực tế. Giáo viên sẽ đưa ra hệ thống các yêu cầu để học sinh chuẩn bị kĩ lưỡng", cô Mai Hương chia sẻ.

Việc tổ chức tham quan dã ngoại theo cô Mai Hương cũng rất tốt, rất cần thiết cho học sinh nhưng phải thay đổi. Cần có thêm các nội dung giáo dục cụ thể với những yêu cầu để học sinh nắm bắt trong mỗi chuyến đi và quan trọng nhất trong hình thức hoạt động này chính là việc rèn kỹ năng.

Kết quả từ việc tổ chức hoạt động trải nghiệm được thể hiện bằng sự tự tin của học sinh trong các hoạt động cá nhân cũng như dễ dàng hòa nhập vào các hoạt động tập thể hay chủ động trong việc lên kế hoạch, triển khai làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp ứng xử và cả sáng tạo.