Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 chính thức đưa vào triển khai ở cấp THCS bắt đầu từ năm học 2021-2022. Năm học 2024-2025 sẽ triển khai dạy học theo chương trình mới ở khối lớp 9, khối lớp cuối cấp THCS.

Tuy nhiên thời gian qua, việc dạy học các môn học tích hợp liên môn gặp khó khăn khi chưa có giáo viên được đào tạo chuyên ngành tích hợp liên môn. Các trường sư phạm cũng chưa xây dựng được chương trình đào tạo, ra được mã ngành đào tạo giáo viên tích hợp liên môn.

Trường đại học Sư phạm Hà Nội bắt đầu từ năm nay mới mở 2 ngành đào tạo giáo viên môn tích hợp. Phóng viên VOV2 phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó hiệu trưởng trường đại học Sư Phạm Hà Nội liên quan đến việc mở các ngành đào tạo mới này.

Phóng viên: Thưa ông, mùa tuyển sinh 2024 này, lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Sư phạm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên theo quyết định vừa được Bộ GDĐT ký. Việc chậm mở mã ngành đào tạo tích hợp liên môn ở trường đại học Sư phạm Hà Nội là để thêm thời gian chuẩn bị hay còn có những lí do nào khác?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Vâng, đúng như chị vừa nói năm nay trường mở thêm 2 mã ngành mới đào tạo tích hợp liên môn.

Nhưng thực ra ngay từ khi chương trình 2018 triển khai, nhà trường đã có một loạt những chuyên đề bồi dưỡng giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, cũng tương tự như vậy với bồi dưỡng giáo viên dạy Lịch sử- Địa lý, dựa trên cơ sở khảo sát chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giáo viên đang dạy đơn môn. Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ chương trình bồi dưỡng và đặc biệt việc phân tích hết sức kỹ lưỡng chương trình 2018, trường xây dựng được chương trình đào tạo.

Thực ra thì có điểm khó là thế này: Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý là những môn học chứ không phải là các môn ghép vào nhau. Do vậy, làm thế nào để có được một chương trình thực sự đào tạo giáo viên để thầy cô dậy được không phải điều dễ. Chúng ta có thể có 3 giáo viên rất giỏi đơn môn nhưng để cùng dạy, trở thành một môn học nhuần nhuyễn lại không phải chuyện đơn giản. Do đó, nhà trường đã phải tìm hiểu rất lâu và cân nhắc đủ căn cứ để xây dựng chương trình.

Thứ hai, nhà trường cũng nghĩ về sinh viên của mình. Bởi vì các bạn dạy Lịch sử - Địa lý hoặc Khoa học tự nhiên khi ra trường, cơ bản cơ hội sẽ làm việc ở THCS. Giả định các bạn ấy không có cơ hội làm việc ở bậc học này thì liệu có thể dạy đơn môn nữa hay không? Câu trả lời thật sự khó. Do đó, chương trình phải xây dựng sao cho sinh viên khi lựa chọn thi vào và học thì họ hoàn toàn có khả năng học liên thông sang các ngành khác. Ví dụ, Lịch sử - Địa lý các bạn ấy có thể lựa chọn học một chương trình 2, đó là chương trình Lịch sử hoặc chương trình Địa lý. Như vậy thì cơ hội sau này ra trường mở rộng cho sinh viên.

Còn nữa là học ngành đấy sau này bạn học cao lên thì học ở đâu?. Nhà trường cũng phải cân nhắc để tạo sự liên thông các chương trình sau này. Ví dụ như các bạn học Lịch sử - Địa lý có thể học chương trình 2 Lịch sử hoặc chương trình 2 là Địa lý. Điều này giúp sinh viên có cơ hội học cao hơn như thạc sĩ Lịch sử, thạc sĩ Địa lý nếu muốn.

Phóng viên: Thưa ông, ở các trường phổ thông, trong những năm qua, giáo viên dạy đơn môn tham gia dạy các môn tích hợp theo cách lần lượt, đến nội dung ai người đó dạy. Vậy với chương trình đào tạo giáo viên liên môn, các giảng viên có lẽ đã sẵn sàng để đảm nhiệm nội dung liên môn cũng như tích hợp các kiến thức cho sinh viên?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Câu hỏi hết sức khó nhưng chính xác về mặt khoa học. Đó là lý do tại sao để xây dựng chương trình, chúng tôi phải tập hợp đội ngũ thường bao gồm những tác giả liên quan đến chương trình 2018. Họ là những người nắm được bản chất của vấn đề, hơn nữa tập hợp những tác giả viết giáo trình, sách giáo khoa cho chương trình ấy để xây dựng chương trình và cũng phải nói rất rõ là khi chúng tôi xây dựng chương trình, các tác giả phải ngồi với nhau. Chúng tôi yêu cầu các giảng viên dạy từng học phần của chương trình phải trình bày xem từng học phần trong chương trình đấy cụ thể ra sao để cho tất cả mọi người cũng hiểu, cùng hướng đến mục đích tiêu chung thì mới ra được một người giáo viên tích hợp. Nhưng cần khẳng định đấy là câu chuyện hết sức khó.

Phóng viên: Giáo trình cho các môn học liên môn trước đòi hỏi tạo độ nhuyễn, sự gắn kết giữa các nội dung đã được trường đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện ra sao?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Thực ra về nguyên tắc phát triển chương trình theo yêu cầu, quy định Nhà nước để xây dựng một chương trình thì anh phải có những đối sách những chương trình khác, trong đấy có cả của nước ngoài. Chúng tôi có lợi thế khi một số trường ở Việt Nam đã có chương trình để có thể tham khảo được vì cùng trong nhóm các trường sư phạm. Thứ hai nữa về cơ bản đội ngũ giảng viên của đại học Sư phạm Hà Nội đã tiếp cận với các chương trình nước ngoài khá thuận lợi và nữa là các thầy cô có khả năng ngoại ngữ, có mối liên hệ về mặt khoa học cũng như là những người nghiên cứu sâu. Do vậy, một chương trình được xây dựng thường được đối sánh với ít nhất tầm khoảng 2,3 chương trình nước ngoài.

Phóng viên: Thưa ông! Khóa đầu tiên mở mã ngành, nhà trường sẽ tuyển sinh và đào tạo bao nhiêu sinh viên và theo đặt hàng từ các trường, các địa phương hay đơn vị giáo dục nào?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Số lượng tuyển ở Đại học Sư phạm Hà Nội xuất phát từ đơn đặt hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tức là họ đăng ký nhu cầu và sau đó Bộ Giáo dục đào tạo phân bổ chỉ tiêu cho đại học Sư phạm Hà Nội.

Mùa tuyển sinh năm nay, chúng tôi có dự kiến chỉ tiêu và khoảng 100 cho mỗi một ngành. Tuy vậy, đấy là chỉ tiêu dự kiến thôi. Bởi vì Bộ Giáo dục đào tạo sẽ cân đối nhu cầu của các địa phương gửi về và cân đối số lượng cho các trường sư phạm.

Phóng viên: Chưa thực sự bước vào quá trình đào tạo nhưng có lẽ những khó khăn đã được lường trước, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: Thực sự chương trình từ mặt văn bản, đã cố gắng thiết kế đúng theo nghĩa chuẩn đầu ra, tức là kết quả mà sinh viên trở thành, sẽ phải làm người giáo viên tích hợp. Nhưng mà tổ chức thực hiện nó có đạt được cái đó hay không đòi hỏi rất nhiều công sức.

Hiện nay, chúng tôi đã bắt đầu làm với các khoa chịu trách nhiệm tổ chức cho các giảng viên viết tài liệu dần dần. Chúng tôi cho rằng là quá trình tổ chức đào tạo phải có sự giám sát rất chặt chẽ sao cho đúng chương trình đã thiết kế. Rất nhiều khi có sự không khớp. Chương trình thiết kế rất tốt nhưng tổ chức thực hiện chưa chắc đã tốt.

Nhưng với kinh nghiệm của nhà trường, chúng tôi tự tin tự tin chúng tôi sẽ làm tốt việc đào tạo các ngành mới này!

Phóng viên: Chúc nhà trường thành công và trân trọng cám ơn ông!

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa PV VOV2 cùng PGS.TS Nguyễn Đức Sơn: