Tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, quá trình tự chủ đại học đã được manh nha từ hơn 20 năm trước – kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”. Tuy nhiên, quá trình tự chủ đại học thực sự mới chỉ được đẩy mạnh trong 7 năm qua.

“Đây là một chặng đường rất dài và vất vả, phía trước cũng còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhưng thực tiễn cho thấy, tự chủ đại học đúng cả về lý thuyết và kết quả thực tiễn cũng tốt hơn.”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nhắc đến 4 mục đích quan trọng của tự chủ đại học trong đó mục đích quan trọng nhất không phải là tự chủ để tạo điều kiện cho giáo viên mà để phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba khâu đột phá chiến lược; Thứ hai, tạo sự công bằng, điều kiện thuận lợi trong tiếp cận cận giáo dục đại học chất lượng cao.

“Nhưng mở rộng tự chủ đại học rồi nâng học phí lên mà không có cơ chế về quỹ học bổng, học phí, hỗ trợ ngân sách nhà nước và của các trường thì lại dẫn đến sự mất công bằng, đây là điều cần phải lưu ý”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ngoài ra, mục tiêu quan trọng của tự chủ đại học theo khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là nhằm sử dụng tốt hơn nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính; Đổi mới cách quản trị các trường đại học thành mô hình quản trị tiên tiến...

Thực tế việc đẩy mạnh tự chủ đại học trong những năm qua đã mang lại những kết quả tích cực ở trên nhiều phương diện.

Nếu như trước đây, các trường đại học của Việt Nam vắng bóng trên các bảng xếp hạng đại học uy tín của quốc tế thì đều đặn những năm gần đây nhiều trường đã góp mặt trong các bảng xếp hạng QS, THE…

Về công bố quốc tế, Phó Thủ tướng so sánh nếu trước đây 70% số các bài báo khoa học, công bố quốc tế là của các Viện nghiên cứu thì tỷ lệ hiện nay đã đảo ngược, 70% các công bố quốc tế là của các cơ sở giáo dục đại học.

Điều đáng mừng nhất theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiệu quả tự chủ đại học đã giúp cho học sinh-sinh viên có nhiều cơ hội hơn, được học theo sở thích, học theo năng lực. Cùng với đó, chất lượng đầu ra của sinh viên cũng được xã hội ghi nhận.

“Tỷ lệ hài lòng của doanh nghiệp khi tuyển dụng theo đánh giá, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp, số trường được các nhà tuyển dụng truyền thống đánh giá tốt, hài lòng tăng lên. Đặc biệt về các kỹ năng làm việc theo nhóm và mạnh dạn trong bộc lộ quan điểm của mình của sinh viên là tiến bộ rõ rệt”, Phó Thủ tướng Chính phủ nói.

Ngoài ra khi đẩy mạnh tự chủ không khí dân chủ trong trường học tốt hơn và cùng với đó là thu nhập của giảng viên cũng tăng lên.

Nói về định hướng tự chủ đại học trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu cần phải tuân thủ các nguyên tắc, trong đó đặc biệt lưu ý, tự chủ không phải là tự do và tự lo. Tự chủ nhưng vẫn chịu sự quản lý của Nhà nước, tuân thủ các quy định pháp luật và gắn với trách nhiệm giải trình.

“Tại sao hiện nay vẫn còn một số trường chưa kiểm định được? Vì các trường không muốn kiểm định hay hệ thống kiểm định của Bộ định hướng chưa đủ? Tại sao một số trường chưa thành lập được hội đồng trường theo quy định của pháp luật? Nói nặng là vi phạm pháp luật. Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm làm việc với các Bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học để làm rõ vấn đề này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Bên cạnh đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới phải tạo được môi trường dân chủ, khoa học. Tinh thần đổi mới phải được thông suốt từ Bộ chủ quản đến Ban giám hiệu/các phòng, khoa.

Đồng thời quá trình tự chủ đại học phải nhất thiết phải theo xu thế và hội nhập quốc tế. Tiếp tục hướng dẫn, cổ vũ, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện kiểm định quốc tế, công bố quốc tế. Đặc biệt các Trường đại học phải là nơi tiên phong trong chuyển đổi số.

Một yêu cầu quan trọng khác được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra tại Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022 đó là phải đổi mới căn bản công tác nghiên cứu khoa học trong trường đại học.

“Một trong những sứ mệnh của đại học không chỉ là phổ biến tri thức, không chỉ dạy mà phải là nơi sáng tạo tri thức. Do vậy, Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học Công nghệ, hai viện Hàn lâm, các Đại học Quốc gia nên có chương trình bàn rất kỹ làm sao có sự đột phá trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học", Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.