Tư vấn tâm lý học đường cơ bản vẫn dừng ở kiêm nhiệm và tận dụng.
Trường THCS Sài Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội có gần 1400 học sinh chia cho 4 khối lớp. Gần 5 năm nay, trường đã thiết lập không gian tư vấn học đường.
“Tuổi dậy thì rất phức tạp trong diễn biến tâm lý, rồi thêm việc sử dụng mạng xã hội nên nhiều việc khó lường. Một ngày bao nhiêu vấn đề trong học sinh đặt ra đòi hỏi phải giải quyết bằng tư vấn”, cô Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Tuy nhiên, để công việc duy trì việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, ban giám hiệu cùng giáo viên tự phải xoay xở, giải quyết những cái thiếu đặt ra.
Không có chuyên gia tâm lý, toàn bộ phần việc tư vấn tâm lý cho học sinh được giao cho cô tổng phụ trách Đội làm công tác kiêm nhiệm. Dù cô đã được tham gia các khóa tập huấn tư vấn tâm lý nhưng theo bà Hiền những vấn đề học sinh gặp phải không thể giải quyết thấu đáo khi thiếu chuyên môn sâu và lại hạn hẹp thời gian, thậm chí chỉ dành cho mỗi ca tư vấn được 5-7 phút. Trong khi, tư vấn tâm lý là cả một quá trình, có khi hàng tháng trời, trải qua nhiều lần gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ, phân tích, tìm giải pháp.
Cô Hiền cho biết, ngay cả phòng học hiện tại trường THCS Sài Sơn còn thiếu, việc tổ chức không gian riêng cho tư vấn tâm lý bởi thế vượt ngoài khả năng.
Giáo viên tổng phụ trách kiêm nhiệm công tác hỗ trợ tư vấn tâm lý nhưng không có cơ chế hỗ trợ, không có không gian riêng và vẫn phải lo công tác chuyên môn giảng dạy theo bà Hiền xảy ra ở hầu hết các trường THCS trên địa bàn huyện. Tư vấn tâm lý học đường với điều kiện như thực tế hiện nay theo bà Hiền rơi vào tình trạng như “muối bỏ bể”.
Trường THCS Lê Văn Thiêm, thành phố Hà Tĩnh có hơn 800 học sinh. Tư vấn tâm lý học đường được nhà trường quan tâm và nỗ lực tổ chức các hoạt động trong nhiều năm qua với tổ tư vấn gồm 8 thành viên gồm đại diện Ban giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có năng lực tư vấn và cả đại diện phụ huynh nhà trường. Nhưng theo thầy hiệu trưởng Trần Thanh Kiên, tất cả cũng chỉ dừng lại ở công tác kiêm nhiệm cùng sự phối hợp hỗ trợ từ nhiều phía.
Hiện tại, việc có phòng y tế, phòng đoàn đội, phòng giáo dục thể chất đã là nỗ lực của nhiều nhà trường. Thêm một phòng chỉ để cho công tác tham vấn tâm lí theo thầy Kiên cũng là khó khăn, đặc biệt việc thiếu nhân sự có chuyên môn chuyên sâu vẫn chưa có giải pháp.
Từ thực tế công tác giáo dục, thầy Trần Thanh Kiên cho rằng, để tổ chức tốt công tác tham vấn học đường, điều kiện đầu tiên phải kể đến là chuyên gia tâm lí, những người được đào tạo chuyên sâu và có kỹ năng thực hành.
Giáo viên dù được tham gia các lớp tập huấn hoặc những khóa học ngắn hạn vẫn không thể đủ để giải quyết tất cả những nảy sinh phức tạp trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Bên cạnh đó, việc kiêm nhiệm trong nhiều trường hợp đặt áp lực lên thầy cô khiến việc tham vấn cho học sinh trở nên hình thức và không tới nơi tới chốn.
Giải pháp nào cho tư vấn tâm lí học đường?
TS. Đỗ Thị Lệ Hằng, Viện Tâm lý học, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chia sẻ trong Chương trình 30 phút cùng VOV2, việc để giáo viên, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý sẽ buộc thầy cô phải khó khăn trong phân vai: Lúc này đang là cô giáo, rồi có khi ngay lập tức phải trở thành nhà tư vấn tâm lí.
Những khúc mắc của học sinh xảy ra trên lớp cần một người khách quan và độc lập để lắng nghe, hỗ trợ và chỉ ra giải pháp. Giáo viên, đặc biệt các thầy cô chủ nhiệm có lợi thế tiếp cận học sinh, hiểu hoàn cảnh, quá trình diễn biến tâm lí, hành vi của các em. Tuy nhiên vai trò của họ cũng chỉ nên dừng ở vai trò nhận biết, kết nối học sinh với chuyên gia hoặc giải quyết những tình huống sư phạm không quá phức tạp trong quá trình dạy học. Còn việc tham vấn, can thiệp tâm lý phải của những nhà chuyên môn được đào tạo bài bản.
Còn theo thầy Trần Thanh Kiên, trường hợp chưa thể tuyển dụng các chuyên gia tư vấn tâm lí, các trường nên được phép thực hiện cơ chế cộng tác viên. Dù sẽ có những lo lắng về tính ổn định của đội ngũ tư vấn trong mỗi nhà trường, nhưng việc làm này một mặt giải quyết câu chuyện kiêm nhiệm, tạo nên sự chuyên nghiệp trong tư vấn tâm lí học đường. Mặt khác, cơ chế cộng tác viên sẽ thúc đẩy bản thân các chuyên gia cũng phải thay đổi, cập nhật, tránh tình trạng tuyển dụng rồi sẽ yên vị.
Tư vấn tâm lí nói chung, tâm lí học đường nói riêng theo TS. Đỗ Thị Lệ Hằng còn cần có sự giám sát để đảm bảo việc tư vấn đúng đạo đức nghề nghiệp chưa? Giải pháp đã phù hợp trong từng trường hợp? Việc ghi âm các cuộc tư vấn tâm lí với sự đồng ý từ người được tư vấn trở thành yêu cầu bắt buộc theo quy trình chuẩn. Một chuyên gia khác sẽ có trách nhiệm nghe lại, đánh giá hiệu quả và cùng chỉ ra các hướng cũng như giải pháp cho những lần tư vấn tiếp theo. Nhưng hiện nay, chuẩn quy trình này hầu như chưa được thực hiện trong tư vấn tâm lí học đường. Bởi lẽ đó sẽ không thể đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác tư vấn với học sinh từ một chuyên gia độc lập.
Rất khó để có được không gian tư vấn tâm lí học đường theo đúng chuẩn và đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh trong điều kiện hiện nay. Vậy nhưng nếu cứ duy trì tình trạng kiêm nhiệm, hay một cán bộ phải gồng gánh lượng học sinh quá lớn thì rồi việc tổ chức lại trở thành hình thức và vô hình chung gây ra sự lãng phí, TS. Đỗ Thị Lệ Hằng nêu quan điểm.