Phải khẳng định rằng nhiều bạn trẻ ngày hôm nay thông minh, giỏi giang và có những bước tiến vượt bậc so với các thế hệ trước. Nhưng chính áp lực trở thành con ngoan, trò giỏi đã khiến nhiều bạn trẻ mất đi khả năng tự quyết, tự lựa chọn khi tất cả đã có sẵn, hành trình cũng không phải tự kiếm tìm. Tự chọn và đi theo con đường riêng không phải lựa chọn dễ dàng khi bạn trẻ phải đứng trước việc không có người ủng hộ, một mình đương đầu trước nhiều thử thách và bản thân chưa có kinh nghiệm.

Chuyện những bạn trẻ chọn “quay xe”

Với thành tích dày dặn trong cả học tập lẫn hoạt động ngoại khóa từ giấy khen Hội sinh viên Học viện Ngoại Giao, tuyên dương sinh viên 5 tốt cấp học viện năm học 2022-2023 đến chứng nhận từ Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cho những đóng góp cho công tác hội cùng thành tích học tập xuất sắc cùng vô số giấy khen về các thành tích khác, Ngô Ngọc Thành Nguyên, sinh viên năm thứ 3 Học viện Ngoại giao có thể xem như minh chứng cho hành trình tự lựa chọn, tự trải nghiệm hành trình tuổi trẻ. Không nhiều người biết rằng, đã rất nhiều lần, khi đứng trước những ngả rẽ mang tính chất quyết định hướng đi trong tương lai, chàng trai trẻ Thành Nguyên lựa chọn “bất tuân” trước những chỉ dẫn, lời khuyên từ bố mẹ, thầy cô, những người từng trải và có kinh nghiệm hơn hẳn.

Suốt cả những năm THCS, Nguyên tham gia khá nhiều CLB ở trường bởi khả năng cùng lúc học tốt khá nhiều môn học. Mẹ dạy học và luyện thi nhiều năm với kết quả có nhiều học sinh đạt thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi môn Hóa các cấp. Nguyên khi ấy cũng tham gia CLB Hóa ở trường THCS. Mọi người gồm cả bố mẹ, thầy cô khi ấy đều nghĩ Nguyên sẽ chọn thi chuyên Hóa trong kỳ thi vào THPT. Nhưng bước vào lớp 9, anh bạn trẻ “quay xe” bằng việc chọn thi chuyên Ngoại ngữ trong sự ngỡ ngàng, bất ngờ và lo lắng từ tất thảy người thân.

“Phải gọi đây như một sự “bất tuân” của tuổi dậy thì khi cô giáo đội tuyển Anh không đánh giá cao mình ở bộ môn này. Khi ấy, mình chỉ có khát vọng mãnh liệt khẳng định bản thân, chứng tỏ việc mình có thể làm được. Nghĩ lại thì lúc ấy hơi có chút trẻ con và hành trình sau đó thực sự đầy khó khăn, đòi hỏi mình phải nỗ lực rất nhiều”, Thành Nguyên nhớ lại.

Để thi trường chuyên, thường các bạn học sinh sẽ phải định hướng cũng như chuẩn bị từ sớm bao gồm cả việc ôn luyện, chuẩn bị tâm thế từ các lớp học dưới. Quyết định ở năm học cuối cấp và lại bị đánh giá trong “top cuối” của CLB tiếng Anh thực sự trở thành áp lực không nhỏ. “Một quyết định mạo hiểm” là đánh giá của Nguyên khi nhìn lại dấu mốc quan trọng đầu tiên của mình. Sẽ là thất vọng với bản thân, mẹ sẽ “khó ăn khó nói” với đồng nghiệp, học sinh khi con trai một giáo viên thi trượt…

Và mặc những ngăn cản, lo lắng từ người thân, thầy cô, cuối cùng Nguyên vẫn theo lựa chọn riêng. Quyết tâm biến thành hành động để rồi kết quả kỳ thi năm ấy, Nguyên thành công khi đỗ cả hai trường chuyên. Trở thành học sinh THPT chuyên Ngoại ngữ, bố mẹ đã chắc mẩm con trai sẽ tiếp tục bậc học đại học ở trường Đại học Ngoại ngữ, viết nốt hành trình đam mê bộ môn tiếng Anh. Nhưng rồi bố mẹ Nguyên tiếp tục phải đối diện với những lần “quay xe” khi chàng trai trẻ chọn học ngành Kinh tế ở Học viện Ngoại giao.

Bạn trẻ Trần Phương Thảo, quê Hải Dương vẫn còn nhớ như in ngày nói với bố mẹ việc sẽ nghỉ học đại học khi chuẩn bị bước vào năm thứ 2 để thi lại đúng vào trường và ngành yêu thích. Kết quả thi trượt, Thảo còn khiến gia đình sốc hơn khi bạn không trở lại tiếp tục học đại học mà chọn học chuyên ngành marketing ở một trường cao đẳng nghề. Với gia đình, làng xóm ở vùng quê nơi Thảo sinh ra, lớn lên, đó là điều khó chấp nhận. Bố mẹ giận đến mức không hỗ trợ học phí cũng như sinh hoạt phí ở Hà Nội. Tằn tiện cộng thêm khoản tiền làm thêm trong năm đầu lên Hà Nội học, Thảo bước vào ngành học tự cho rằng có đam mê. Và ngay khi kết thúc học kỳ 1, bạn đã được nhà trường giới thiệu đi làm đúng chuyên ngành nhờ thành tích học tập đặc biệt xuất sắc.

“Mình tự thấy phải nỗ lực hơn các bạn khác để được làm điều bản thân cho là phù hợp. Kể cả khi nhận việc làm thêm, nếu các bạn khác sẵn sàng nhận công việc như bưng bê, bán hàng…vừa dễ vừa nhẹ nhàng thì mình tập trung vào những công việc được thực hành đúng chuyên ngành được đào tạo. Vì nếu không cố gắng, không tự kiếm tiền trang trải học phí và sinh hoạt, mình sẽ chỉ có thể quay về quê”, Thảo chia sẻ.

Bước vào năm thứ 3, chỉ còn một kỳ nữa sẽ ra trường, Thảo được chính công ty đã gắn bó từ năm thứ nhất nhận vào làm với mức thu nhập cứng 9 triệu đồng/tháng.

Thảo từng mắc kẹt, từng định theo nốt trường đại học theo quan điểm truyền thống học cho xong. Ngã rẽ bạn chọn không bằng phẳng, thậm chí “không giống ai” trong suy nghĩ của nhiều người. Dù đều có những khó khăn, thách thức nhưng những bạn trẻ như Nguyên, như Thảo trên hành trình trưởng thành đã tự chọn và tự chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân.

Làm sao để người trẻ có thể tự lựa chọn?

Thực tế đã có không ít bạn trẻ mắc kẹt giữa mong muốn, kinh nghiệm của bố mẹ với mong ước nguyện vọng của bản thân từ học gì? thi vào đâu? đến cả khi tốt nghiệp làm ở chỗ nào? Thành Nguyên cho rằng trong nhiều trường hợp cũng phải thừa nhận rằng người lớn đặc biệt bố mẹ đúng khi họ có 40-50 năm trải nghiệm gồm cả thành công và thất bại. Và hầu hết những lời khuyên, thậm chí cả ép buộc trong định hướng tương lai của phụ huynh đều bắt nguồn từ tình yêu thương lo lắng cho tương lai của con em mình.

“Trải nghiệm là thứ mình không thể mua được mà phải tự trải qua. Trải nghiệm của bố mẹ quý báu, là vàng là bạc nhưng cá nhân mình nghĩ, người trẻ nói chung, mình nói riêng mong muốn một sự tự do, thoải mái hơn và bản thân cũng không muốn trong sự bao bọc kỹ càng. Mình muốn tự khám phá bản thân nhiều hơn. Sau này khi tự trải nghiệm đủ rồi, nhìn lại, có thể lời khuyên của cha mẹ là đúng. Còn hiện tại mình có tuổi trẻ, hãy cứ tự trải nghiệm, còn rất nhiều thời gian phía trước, dẫu có sai một chút vẫn có thể làm lại”, Nguyên bày tỏ lý do nhiều bạn trẻ hiện sự “bất tuân”, thậm chí đi ngược lại mong muốn, kỳ vọng từ người thân.

Nhớ lại câu chuyện lựa chọn thi vào chuyên Ngoại ngữ ở năm cuối THCS hay rẽ sang hướng khác thay vì tiếp tục theo đuổi ngoại ngữ, Thành Nguyên cho rằng tất cả những trải nghiệm từ sự tự quyết, tự chịu trách nhiệm với quyết định hướng đi của bản thân giúp Nguyên có những cơ hội trải nghiệm không phải bạn trẻ nào cũng có được. Đứng trước một vài thất bại hoặc chưa hài lòng với kết quả trong hành trình trải nghiệm tuổi trẻ, Thành Nguyên cho rằng ở thời điểm khó khăn đó, cần biết chấp nhận thực tế, gạt đi thất vọng ban đầu để tiếp tục cố gắng không ngừng.

Vào học ở Học viện Ngoại giao, giữa một “rừng” các bạn học xuất sắc, vô cùng chăm chỉ và quyết tâm, Thành Nguyên tự xác định hướng đi cho chặng đường hướng nghiệp quan trọng này cần song hành cả kiến thức và kĩ năng. Việc tham gia nhiệt tình, sáng tạo hầu hết các hoạt động ngoại khóa của nhà trường không chỉ đem đến cho chàng trai này những “cơn mưa” giấy khen, giải thưởng mà quan trọng hơn chính ở việc rèn luyện thành thục những kĩ năng mềm giúp tự tin, vững vàng trong nhiều tình huống cũng như có thêm cơ hội trải nghiệm những công việc mới mà sẽ rất khó nắm bắt nếu chỉ giỏi trên giảng đường.

Từ kinh nghiệm trên suốt hành trình tự chọn, tự chịu trách nhiệm với tuổi trẻ của mình, Nguyên cho rằng để có những thành công bước đầu cần xác định được đúng mục tiêu cần đạt, lập kế hoạch và thực hiện bằng sự quyết tâm cao nhất.

“Điều quan trọng nhất nằm ở sự quyết tâm, kể cả khi mình không đạt được kết quả như mong đợi thì bản thân cũng đã cảm nhận được sự cố gắng và sẽ không nuối tiếc”.

Tiếp theo, bạn trẻ không nên bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh. Đó có thể bao gồm cả lời khuyên tốt, cả sự châm chọc. Điều gì phù hợp, bạn nên tiếp thu chọn lọc và thay đổi phù hợp. Còn lại, cần gạt tất cả sang bên để có thể chú tâm hoàn toàn vào mục tiêu nhằm đạt được kết quả như mong muốn. Bản thân mình phải được đặt lên vị trí hàng đầu và phải ưu tiên cho mọi quyết định sau đó.

Việc thuyết phục bố mẹ tin tưởng vào lựa chọn và hướng đi của con em mình theo Nguyên cũng vô cùng quan trọng. Kinh nghiệm của chàng trai này chính ở việc cho bố mẹ thấy sự quyết tâm của bản thân.

“Không có phụ huynh nào cản đường khi thấy sự quyết tâm của con mình. Và sự ủng hộ từ bố mẹ sẽ thêm cho các bạn trẻ nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho thành công”, Thành Nguyên khẳng định.

Sự quyết tâm này được thể hiện ở việc người trẻ tập trung toàn bộ bản thân vào trong dự án, dự định của bản thân và thêm vào đó cần một chút thành tựu nhằm phản ánh, minh chứng cho sự cố gắng cũng như hướng đi đúng đắn của bản thân. Kết quả có sức thuyết phục nhất và quan trọng nhất để cho người lớn, những người thương yêu, lo lắng có thể yên tâm cho những bước đi tiếp theo của các bạn trẻ.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi: