Phụ huynh buộc phải quen dần với việc con học trực tuyến

Chị Trần Phương Thảo, một phụ huynh ở Giảng Võ, Hà Nội trên trang cá nhân đã đăng bộ ảnh con trai diện đồng phục mới, vai đeo cặp cùng một loạt ảnh cậu bé ngồi nghiêm chỉnh trước bàn học với dòng trạng thái: “Sẽ không có tiếng trống trường mà chỉ có tiếng mẹ gọi con vào bàn học online. Một năm học mới sẽ vô cùng khó khăn với cả mẹ và con... Nhưng phải cố gắng thôi con trai ạ! ...Năm học đầu tiên thời Covid”.

Những bình luận từ bạn bè, người thân dưới dòng trạng thái này hầu như đều cùng tâm trạng lo lắng, băn khoăn, chia sẻ và cả đồng cảm với người mẹ và cả cậu con trai.

Làm giảng viên một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, chị Đặng Thị Thúy, nhà ở quận 4 khá may mắn khi có thể đồng hành việc học cùng con giữa lúc cả thành phố bị bủa vây bởi đợt dịch bệnh khủng khiếp. Ngoài giờ dạy online cho sinh viên, chị Thúy cùng con ôn lại những kiến thức lớp cơ bản của lớp 3. Việc nhận được đầy đủ bộ sách giáo khoa lớp 4 bản in thông qua đường bưu điện sau gần 1 tháng đăng ký thực sự là niềm vui với người mẹ này.

Tôi cứ đăng ký mà không nghĩ sẽ có sách vì giờ dịch căng thẳng quá. Đến nửa lớp các con chưa có sách.Trên trang Zalo lớp cô chủ nhiệm cũng gửi link sách giáo khoa trực tuyến. Nhưng thương các con lắm, học trực tuyến giờ lại thêm sách giáo khoa trực tuyến thì hỏng hết cả mắt. Với lại không phải nhà nào cũng có đủ máy tính để vừa vào lớp học, vừa có bản sách giáo khoa. Các gia đình lao động, công nhân việc lo ăn ở đã khó khăn, nói gì đến sách giáo khoa, đến máy tính để học. Nhiều bạn phải học bằng điện thoại của bố hoặc mẹ, chị Thúy chia sẻ.

Cố gắng để học sinh dừng đến trường không dừng học

Hà Tĩnh những ngày trước tựu trường và khai giảng đã có ca nhiễm Covid rải rác ở một vài xã và thị trấn. Việc khoanh vùng và kiểm soát tốt cho phép các hoạt động khác tương đối thuận lợi. Sách giáo khoa cho học sinh các trường trong khu vực phong tỏa được đại diện Sở giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ đảm bảo trước khai giảng.

Tuy nhiên, nếu diễn biến dịch xấu đi, buộc phải mở rộng diện dạy học trực tuyến thì nhiều xã, huyện sẽ gặp khó khăn về đường truyền cũng như thiết bị học trực tuyến của học sinh. Nhiều hãng viễn thông lớn đã nhận hỗ trợ nâng cấp cũng như miễn phí internet cho địa phương hết học kì 1.

“Chúng tôi đang tổ chức rà soát để nắm bắt số học sinh thiếu thiết bị học để tính toán phương án trong trường hợp buộc phải dạy học trực tuyến. Đây chắc chắn không phải khó khăn của riêng Hà Tĩnh”, ông Cao Ngọc Châu, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục tỉnh Hà Tĩnh khẳng định.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch năm học mới với 5 phương án tùy diễn biến dịch bệnh, giáo viên cũng đã được tập huấn sẵn sàng cho việc dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, theo ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ thì nếu dạy online sẽ gặp nhiều khó khăn. Riêng tiểu học sẽ không dạy học online, nếu như có cũng chỉ là hướng dẫn các em hoạt động vui chơi, ôn bài cũ thôi.

Hà Nội là một trong những địa phương triển khai tốt nhất việc dạy học trực tuyến do có những thuận lợi về đội ngũ giáo viên, đường truyền internet tốt, sự phổ biến trong thiết bị dạy học. Nhưng thành phố vẫn lâm vào khó khăn chung với việc dạy học cho học sinh tiểu học khi chưa có giải pháp tối ưu.

Dịch bệnh cũng gây ra khó khăn trong vận chuyển sách giáo khoa đến tay học sinh. Nhiều quận, huyện đã có những phương án giải quyết bên cạnh việc hướng dẫn phụ huynh, học sinh sử dụng nguồn sách giáo khoa trực tuyến được cung cấp miễn phí.

Quận Hoàn Kiếm với 2 phường Chương Dương và Phúc Tân tập trung nhiều trường học lại thuộc vào vùng đỏ của dịch bệnh với nhiều ca F0, nguy cơ lây nhiễm cao. Dưới sự chỉ đạo của Phòng giáo dục, nhiều biện pháp đồng bộ đã được thực hiện như lập danh sách học sinh theo tuyến phố, tuyến phường để thống nhất việc chuyển sách tới tận tay học sinh theo các hình thức khác nhau bao gồm cả sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Việc vận chuyển và giao sách đảm bảo tuân thủ 5K cùng các biện pháp phòng dịch.

“Với những cách làm hay, sáng tạo, trong tuần này chúng tôi đảm bảo chuyển hết sách cho tất cả học sinh trên địa bàn quận để dù học online, các em đều giảm bớt khó khăn, vất vả khi vừa phải theo dõi bài dạy, vừa theo dõi sách giáo khoa cùng trên màn hình”, bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm cho biết.

Chưa nước nào có kinh nghiệm dạy học trực tuyến quy mô lớn cho trẻ nhỏ

Trả lời phỏng vấn VOV2, bà Lê Anh Lan, chuyên gia Giáo dục, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) cho biết, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ và Bộ GD&ĐT Việt Nam trong việc triển khai phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học tập”.

Cũng theo bà Anh Lan, với học sinh lớp 1, dạy học trực tiếp cực kỳ quan trọng không chỉ ở việc học chữ, học tính toán, quan trọng hơn chính ở quá trình làm quen môi trường hết sức mới mẻ, khác biệt hoàn toàn so với bậc mầm non. Đây được xem như nền tảng cho việc học tập trong tương lai của các em cũng như điều kiện thuận lợi để giáo viên hiểu về học sinh, xây dựng sự tự tin ở trẻ, xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa cô trò với các bạn.

Phương thức học trực tiếp còn giúp thầy cô có được phương án giáo dục cụ thể và hỗ trợ với những trường hợp học sinh khó khăn về học tập, trí tuệ hoặc có những biểu hiện đặc biệt khác mà trong điều kiện dạy học online rất khó hoặc không thể nhận ra và cũng không thể tác động trực tiếp.

Trường hợp dạy học online ở lứa tuổi nhỏ, đặc biệt lớp 1, lớp 2 theo bà Anh Lan thực sự khó khăn, đòi hỏi sự chuẩn bị cũng như thay đổi rất lớn ở giáo viên. Được biết, Vụ giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Việt Nam cũng đang rất nỗ lực trong việc xây dựng kế hoạch cũng như tập huấn, nâng cao kỹ năng dạy học online cho giáo viên.

“Tất cả các nước hiện nay cũng đều đang trong quá trình tài liệu hóa, chưa có một nước nào chia sẻ bài học kinh nghiệm cụ thể cho hình thức dạy học trực tuyến, đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ. Tuy nhiên Việt Nam cũng là quốc gia đang triển khai mô hình này và rất có thể sau này chia sẻ kinh nghiệm dạy học online cho các quốc gia khác", bà Anh Lan nhận định.

Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo một vài cách làm tại các quốc gia khác. Chẳng hạn, Thổ Nhĩ Kỳ tập huấn cho giáo viên kỹ năng dạy học qua điện thoại, kinh nghiệm hỗ trợ tâm lý cho học sinh, đặc biệt các em nhỏ tuổi. Hay Ghana tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên kỹ năng mới trong đánh giá kết quả học tập trực tuyến một cách hiệu quả. Hoặc Philipin với kinh nghiệm tổ chức được các lớp học với sỹ số nhỏ, chia nhỏ bài học..., bà Anh Lan nêu ví dụ.

Ở nhiều quốc gia, dạy học online cũng gặp khó khăn khi thiếu thốn trang thiết bị đầu cuối, đặc biệt từ phía học sinh.

Ở Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc trong nhiều năm qua đã đồng hành với Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong việc thu hẹp khoảng cách số, đặc biệt với trẻ em, thanh thiếu niên dễ bị tổn thương nhất như vùng dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em gái, trẻ em nghèo hay ở vùng sâu vùng xa, nơi Internet kém phát triển và thiếu trang thiết bị. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại còn nảy sinh thêm khó khăn cần hỗ trợ như về vấn đề tâm lý.

Sắp tới, phía UNICEF hướng tới những giải pháp tổng thể có tính đồng bộ nhằm huy động sự tham gia của cha mẹ học sinh và các đối tác khác, thử nghiệm những sáng kiến, giải pháp trong việc áp dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến nhưng mức chi phí ở mức thấp nhất.

Giữ vai trò xúc tác với các đơn vị tài trợ, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc kỳ vọng kết nối nhiều nguồn lực nhằm tạo nên nguồn học liệu mở miễn phí góp phần đảm bảo việc phổ cập số trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam hiệu quả.

“Tuy nhiên, câu chuyện xã hội hóa không nên hiểu đơn giản ở việc kêu gọi hay yêu cầu phụ huynh tham gia. Làm như vậy vô tình chúng ta đặt gánh nặng lên vai họ khi cuộc sống đang còn nhiều khó khăn”, bà Anh Lan nhấn mạnh.

Khuyến nghị của UNICEF về dạy học trực tuyến:

- Giáo viên cần được trang bị cẩn trọng và chu đáo tất cả kỹ năng dạy học trực tuyến.

- Thiết kế bài giảng phải chắt lọc nội dung chương trình, nhiều tranh ảnh, âm thanh để thu hút học sinh, loại bỏ hình thức thuyết giảng một chiều.

- Thời gian tiết học không nhất thiết kéo dài như ở lớp học truyền thống. Việc nghỉ ngơi giữa các tiết học cũng cần hợp lý nhằm giảm thời gian nhìn màn hình cũng như khắc phục sự thiếu tập trung của các em nhỏ.

- Mỗi lớp học cần chia nhỏ, không nên để quá 20 học sinh mỗi ca dạy.

- Cần có sự đồng thuận từ phụ huynh. Các địa phương cần có sự cân nhắc lùi thời gian dạy học trong trường hợp không thể thống nhất với cha mẹ các em.

Mời quý vị nhấn nút để nghe nội dung này: