Tính tới năm 2019, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam – Quỹ giao lưu quốc tế Nhật bản đã phối hợp với Ban Quản lý Đề án ngoại ngữ - Bộ GD&ĐT, Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên tiếng Nhật cấp trung học vào tháng 7 hàng năm. Tiếp nối các hoạt động đó, năm 2021 Trung tâm phối hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển văn hóa, ngôn ngữ và giáo dục CLEF đồng tổ chức diễn đàn dành cho giáo viên tiếng Nhật cấp tiểu học và trung học của Việt Nam với sự hỗ trợ của Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ - Bộ GD&ĐT Việt Nam.
Diễn đàn được tổ chức dành cho đối tượng là các giáo viên đang dạy tiếng Nhật ở các trường Tiểu học, THCS và THPT tại Việt Nam nhằm xây dựng mạng lưới giáo viên tiếng Nhật, giúp cho các giáo viên tiếng Nhật tại Việt Nam ở nhiều cấp học có thể gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cũng như thông tin về giảng dạy tiếng Nhật. Đây cũng là nơi để các giáo viên học thêm nhiều kiến thức mới về giảng dạy tiếng Nhật, qua đó sẽ có sự trưởng thành, phát triển trong sự nghiệp.
Số cơ sở đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam tăng 26 lần sau 20 năm
Tại diễn đàn, ông Toshiki ANDO, Giám đốc Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam - Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản cho biết, tiến hành khảo sát cơ sở đào tạo tiếng Nhật trên toàn thế giới, năm 1998 Việt Nam chỉ có 31 cơ sở đào tạo tiếng Nhật với hơn 10.000 người học. Nhưng theo số liệu mới nhất năm 2018, Việt Nam có 818 cơ sở đào tạo tiếng Nhật với hơn 170.000 người học. Như vậy, chỉ sau 20 năm số cơ sở đào tạo tiếng Nhật tăng hơn 26 lần và số người học tăng lên hơn 17 lần.
Với 174.000 người học năm 2018, Việt Nam là nước có số người học tiếng Nhật lớn thứ 6 thế giới sau Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan và đứng thứ 3 Đông Nam Á.
Số người học tiếng Nhật tại Việt Nam tăng lên hằng năm, đặc biệt trong 3 năm từ 2015-2018 số lượng người học tăng khoảng 110.000 người, tăng nhiều nhất thế giới.
Ông Toshiki ANDO khẳng định, đặc trưng nổi bật trong đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam đó là số người dự thi các kỳ thi năng lực tiếng Nhật rất đông. Chỉ riêng kỳ thi năng lực tiếng Nhật (JLPT) năm 2019 là 78.318 thí sinh dự thi cả 2 đợt tháng 7 và tháng 12. Số liệu này cho thấy số người học tiếng Nhật tại Việt Nam tăng lên hằng năm và Việt Nam là quốc gia có nhiều người học tiếng Nhật mong muốn cụ thể hóa năng lực thông qua kết quả kỳ thi để du học Nhật Bản, xin việc, tu nghiệp tại Nhật Bản...
Đánh giá về bối cảnh và nguyên nhân giúp việc giảng dạy tiếng Nhật ở Việt Nam phát triển ông Toshiki ANDO cho rằng do mối quan hệ sâu sắc giữa Việt Nam và Nhật Bản ở các lĩnh vực Chính trị - Ngoại giao, Kinh tế - Ngoại thương và Văn hóa - Xã hội.
“Ở lĩnh vực Chính trị - Ngoại giao, những năm gần đây có nhiều chuyến thăm ngoại giao giữa lãnh đạo 2 quốc gia. Đứng đầu là Thủ tướng của 2 nước. Năm 2017 cựu Nhật Hoàng của Nhật Bản và phu nhân đã có chuyến thăm Hà Nội, Huế và nhận được sự đón tiếp nồng hậu của Việt Nam.
Giai đoạn bình thường mới, sống chung với COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm nhật bản ngày 24/11 và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Với sự ổn định Chính trị - Ngoại giao, mối quan hệ kinh tế cũng phát triển mạnh. Những năm qua số doanh nghiệp có vốn Nhật Bản chuyển sang sản xuất tại Việt Nam hay xây dựng nhà máy tại Việt Nam tăng, kèm theo vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng tăng lên. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp Việt Nam có giao thương kinh tế với doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp có vốn Nhật Bản nhiều, hạn ngạch thương mại tăng lên. Thêm vào đó, số lượng người dân trong độ tuổi lao động của Nhật Bản đang giảm nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, do đó nhu cầu lao động Việt Nam trong lĩnh vực này tăng cao”.
Một nguyên nhân nữa theo ông Toshiki ANDO đó là Văn hóa –Xã hội, sản phẩm dịch vụ Nhật Bản đang được người Việt yêu thích.
“Gần đây nhiều trường mầm non của Việt Nam quan tâm và áp dụng phương pháp của Nhật vào dạy học. Các sản phẩm nông nghiệp Nhật Bản cũng được người Việt đánh giá cao về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính sự quan tâm của người Việt Nam đối với các sản phẩm trong lĩnh vực văn hóa xã hội đã đem lại lợi thế cho giáo dục tiếng Nhật. Đương nhiên không thể không nói đến một yếu tố hậu thuẫn khác là văn hóa J-pop như phim ảnh, truyện tranh, hoạt hình, thời trang, nghệ thuật...”, ông Toshiki ANDO đánh giá.
Bà Akane MATSUBA, Ban Báo chí và Văn hóa, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông tin, tháng 10 năn nay, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đào tạo đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam là Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Khoa Tiếng nhật Trường ĐH Ngoại thương và Khoa tiếng Nhật ĐH Hà Nội vinh dự nhận được giải thường của Quỹ giao lưu quốc tế.
Năm 2023, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam -Nhật Bản, bà Akane MATSUBA hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam đang học tiếng Nhật sẽ trở thành cầu nối hữu nghị giữa 2 nước để đưa mối quan hệ tiếp tục phát triển.
Mở rộng quy mô giảng dạy tiếng Nhật cần phát triển đội ngũ giáo viên
Hiện nay tiếng Nhật được giảng dạy với tư cách là ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 tại hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, là một trong các ngoại ngữ được lựa chọn, tổ chức thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo số liệu tháng 1/2021, có 37 trường THPT, 82 trường THCS và 2 trường Tiểu học dạy tiếng Nhật một cách chính thức (Ngoài ra có một số trường dạy tiếng Nhật như môn ngoại khóa/hoạt động CLB). Năm 2018, có 26.239 học sinh THPT và THCS, 2.054 học sinh Tiểu học đang học tiếng Nhật.
Cụ thể, tiếng Nhật hiện nay đang được giảng dạy tại Việt Nam theo các hình thức như: ngoại ngữ 1 (theo chương trình 7 năm); Ngoại ngữ 2 tự chọn không bắt buộc từ lớp 6; Ngoại ngữ 2 tự chọn không bắt buộc từ lớp 10; Hoạt động ngoại khóa (bậc tiểu học, THCS và THPT) và như ngoại ngữ 1 theo chương trình 10 năm (từ lớp 3) đối với nhóm học sinh học thí điểm (nhưng đã nhập vào nhóm ngoại ngữ 1 theo chương trình 7 năm từ lớp 6).
Đánh giá về tình hình giáo dục tiếng Nhật bậc Tiểu học và Trung học hiện nay, PGS.TS Ngô Minh Thủy, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục CLEF cho rằng, giáo viên dạy tiếng Nhật trước đây có giai đoạn vất vả vì số lượng giáo viên hạn chế. Hiện nay mặc dù số lượng giáo viên đã đông đảo hơn nhưng vẫn thiếu.
"Tiêu chuẩn giáo viên ở Việt Nam cần chứng chỉ sư phạm nhưng ở hiện nay số trường ĐH đào tạo ngành Sư phạm Tiếng Nhật chưa nhiều. Hiện mới chỉ có Trường ĐH Ngoại Ngữ ĐH quốc gia Hà Nội chính thức có hệ đào tạo Sư phạm tiếng Nhật".
Theo bà Thủy, hiện nay Quỹ giáo dục quốc tế Nhật Bản cũng đang có những khóa tập huấn cấp chứng chỉ của Quỹ, nhưng nhìn từ góc độ quản lý thì chứng chỉ của Quỹ chưa được công nhận về mặt hành chính.
Để phát triển giáo dục tiếng Nhật theo bà Thủy cần quan tâm hơn các chính sách đối với giáo viên và người học, tăng cường truyền thông, đưa tin về tiếng Nhật, tạo lập mạng lưới kết nối cộng đồng dạy học tiếng Nhật ở bậc phổ thông, cải thiện điều kiện dạy – học, cần có thêm nhiều festival, diễn đàn, các buổi gặp mặt cho học sinh và giáo viên… Đồng thời, cần cải thiện các điều kiện dạy – học như sách giáo khoa, tài liệu giấy và online, sự hỗ trợ về chuyên môn.
PGS.TS Nguyễn Tô Chung – Phó trưởng ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia cho biết, hiện nay với sự giúp đỡ của Đại sứ quán Nhật Bản, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và các chuyên gia, việc biên soạn SGK ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 tiếng Nhật đang được tiến hành tích cực.
Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đề ra của Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia, Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Tô Chung mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ, tài trợ của các thầy cô giáo, các tổ chức đơn vị của Việt Nam và Nhật Bản trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học tiếng Nhật tại Việt Nam.
Cụ thể các hoạt động cần được đồng hành, hỗ trợ, tài trợ là: Hoàn thiện, biên soạn bộ SGK tiếng Nhật ngoại ngữ 1 và Ngoại ngữ 2; Đổi mới; kiểm tra đánh giá trong dạy và học tiếng Nhật theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế, chuẩn của Nhật Bản; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tiếng Nhật đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng để thực hiện chương trình mới, tăng cường trao đổi giáo viên; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học tiếng Nhật; Đẩy mạnh công tác truyền thông xây dựng môi trường dạy và học tiếng Nhật, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa; Đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy và học tiếng Nhật, cùng với sự hỗ trợ, tài trợ của các trung tâm ngoại ngữ, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Năm 2016, tiếng Nhật- Ngoại ngữ 1 hệ 10 năm được đưa vào dạy thí điểm từ lớp 3. Năm 2019, sau khi kết thúc thí điểm tiếng Nhật cấp tiểu học, tiếng Nhật được giảng dạy chính thức tại các trường tiểu học có nhu cầu và điều kiện.
Năm 2018 chương trình các môn Ngoại ngữ 2 trong đó có tiếng Nhật được ban hành kèm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm 2021 Bộ GD&ĐT chính thức ban hành chương trình môn tiếng Nhật – Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.