Phát biểu tại Hội thảo giáo dục 2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh “thế hệ trẻ là mầm non, tương lai của đất nước, rèn luyện hoàn thiện nhân cách học sinh, sinh viên là nhiệm vụ quan trọng. Văn hóa học đường là vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, có những con người đủ đức đủ tài đáp ứng yêu cầu càng cao đổi mới và xu hướng hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ cấp bách quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội trong đó có giáo dục đào tạo”.

Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, thời gian qua có nhiều giải pháp xây dựng văn hóa học đường như “Cuộc vận động nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực, triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.

Tuy nhiên còn những lo ngại vì đâu đó còn thiếu trung thực trong dạy, học, kiểm tra đánh giá, hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử của một số ít học sinh, giáo viên, tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em trong một số cơ sở giáo dục, làm ảnh hưởng chất lượng dạy và học, gây tổn hại tới môi trường học đường.

Ông kỳ vọng những phân tích thấu đáo các vấn đề đặt ra, hội thảo sẽ kiến nghị giải pháp, chính sách tạo sự chuyển biến trong cả nhận thức và hành động hướng tới môi trường văn hóa học đường tích cực, hệ giá trị văn hóa trong trường học đáp ứng yêu cầu thời đại mới.

“Tinh thần hội thảo cần được lan tỏa rộng rãi trong các nhà trường, cụ thể hóa thành các hành động, văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, là nền tảng tư tưởng nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão ý chí khát vọng của các em học sinh, sinh viên nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, tạo lập giá trị bản thân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

Cơ hội và thách thức xây dựng văn hóa học đường Việt Nam

Nhận dạng cơ hội và thách thức trong xây dựng văn hóa học đường tại Việt Nam, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, về nhận thức chúng ta đều hiểu và thấy rõ tầm quan trọng của văn hóa học đường nhưng làm thế nào xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ điều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào yếu tố.

Cuối thế kỷ XX, sau khi WTO ban hành Hiệp định chung thương mại dịch vụ hình thành thị trường giáo dục và văn hóa ở phạm vi toàn cầu đã làm nảy sinh những mặt tiêu cực là sự xuống cấp đạo đức ở nhiều nước trên thế giới, đảo lộn giá trị trong nhiều hệ thống giáo dục. Đây là lúc các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục thống nhất cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường.

Tại Việt Nam, trong nước suốt 35 đổi mới, chúng ta có quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đổi mới giáo dục hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong đó 3 nhiệm vụ dạy chữ, dạy nghề và dạy người đặc biệt dạy người.

Về phương diện văn hóa có nhiều quan điểm chỉ đạo quan trọng nhưng theo TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến việc chuyển chủ trương thành thể chế, đặc biệt trong chuyển thể chế thành hành động còn hạn chế nên những chủ trương về dạy người, hệ gía trị vẫn còn dừng trên văn bản. Điều đó dẫn tới sự phân rã văn hóa - hiện tượng mà 3 môi trường văn hóa gia đình, nhà trường và xã hội không những không có kết nối bổ sung cho nhau mà còn có những xung đột.

"Xã hội Việt Nam giàu giá trị tình yêu nước, đoàn kết, cần cù nhưng con người Việt Nam còn có nhiều thói hư tật xấu. Thế giới nói con người Việt Nam là con người nửa vời, chúng ta thấy trong đại dịch cực kỳ đoàn kết nhưng khi không có dịch, cuộc sống bình yên sẽ ganh tị, kèn cựa lẫn nhau”, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến nhận định.

Theo ông, cùng với sự phát triển công nghệ thông tin, bên cạnh không gian văn hóa hiện thực còn có không gian văn hóa trên mạng, ngoài mặt tích cực còn có một thị trường văn hóa với nhiều thói hư tật xấu, phi giá trị cần ngăn ngừa.

Từ đó, ông kiến nghị xây dựng văn hóa học đường cần trở thành chủ trương chính thức của ngành giáo dục, phải có chương trình cụ thể để xây dựng văn hóa học đường, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Cần sớm có hệ gía trị quốc gia để làm cơ sở xây dựng xã hội Việt Nam và văn hóa Việt Nam.

“Khi chờ đợi xây dựng hệ giá trị quốc gia cần ngành văn hóa thông tin xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam. Nếu không có hệ giá trị gia đình Việt Nam sẽ dẫn tới hiện tượng phân rã văn hóa. Ngành văn hóa cần chuyển trọng tâm xây dựng gia đình văn hóa sang xây dựng văn hóa gia đình.

Cùng với đó, ngành thông tin truyền thông bên cạnh xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng cần chuyển sang xây dựng văn hóa mạng, văn hóa số, hiện nay đã có chương trình xây dựng quốc gia số, kinh tế số, xã hội số nhưng tôi ngạc nhiên là trong chương trình đó không nói tới văn hóa số”, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến kiến nghị.

Theo GS. Trần Ngọc Thêm, sứ mệnh của giáo dục Việt Nam hiện nay là xây dựng xã hội phát triển, mục tiêu cuối cùng là cần có con người sáng tạo, chủ động, trung thực.

Để có con người chủ động thì cần loại trừ tính thụ động ở người học và tính áp đặt từ người trên, cần thay đổi quan niệm và không sử dụng biểu đạt mang tính thụ động như “con ngoan trò giỏi” theo kiểu dễ bảo, vâng lời, thuộc bài.

Người học phải tự tin, rèn luyện tư duy phản biện, nghĩ khác, nói khác với số đông, rèn luyện phong cách làm việc khoa học, có kế hoạch.

Để có con người sáng tạo cần dân chủ trong giáo dục. GS. Thêm đề nghị không sử dụng khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, chống học thuộc lòng. Thay đổi quan niệm về sách giáo khoa, không ra đề thi kèm đáp án, không học theo bài mẫu, chú ý quan hệ tinh tế năng lực và phẩm chất...

Cần giáo dục cá nhân hóa, sớm thừa nhận luật hóa mô hình giáo dục ở gia đình. Để có con người trung thực phải dạy và học trung thực, cần xây dựng liêm chính học thuật, cần chống bệnh thành tích, gốc là chống bệnh sĩ diện. lụy tình, biến báo trong văn hóa.

“Cốt lõi là triết lý giáo dục theo nghĩa hẹp cần tập trung trong 3 phẩm chất sáng tạo, chủ động và trung thực còn trọng tâm triết lý trong giai đoạn trước mắt là chủ trương "học thật, thi thật, nhân tài thật" do Thủ tướng phát động.

Xây dựng văn hóa học đường cần giảm áp lực cho giáo viên

PGS.TS Nguyễn Xuân Đức, nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho rằng, phải xử lý những vấn đề phương hại đến văn hóa học đường, một trong số đó là bạo lực học đường.

Theo ông Đức, một trong những nhân tố giúp giảm thiểu bạo lực học đường chính là giáo viên. “Nếu giáo viên gây ra bạo lực là "hỏng", chưa kể giáo viên không đủ khả năng quản lý những bạo lực học đường khác”.

Tuy nhiên, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho rằng, để ngăn ngừa bạo lực học đường có những cái khó tồn tại trong môi trường giáo dục hiện nay.

Cụ thể là trong đội ngũ giáo viên đào tạo hơn chục năm đã bị bỏ qua một học phần quan trọng để giúp họ có kiến thức, kỹ năng xử lý những vấn đề trong và ngoài lớp học.

“Trước đây, học sư phạm sẽ được thực tập giáo dục rồi mới thực tập giảng dạy. Sau đổi mới bỏ những cái đó, sinh viên không được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm ra trường đi dạy vì học hệ mở, học thêm chứng chỉ sư phạm, những người này không đi thực tập sư phạm thì sau này ra rất yếu. Đội ngũ này hiện nay đang phổ biến dạy ở phổ thông”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Đức cho rằng Bộ GD&ĐT cần rà soát đội ngũ này và chỉ đạo các sở GD&ĐT tổ chức chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng giáo viên trong hè.

Ông Đức cho rằng, giáo viên đang chịu quá nhiều áp lực. “Giáo viên dạy hàng trăm học sinh, nếu như công việc nặng như thế không thể làm tốt được. Trước đây giáo viên cấp 2 dạy 16 tiết rồi ở nhà soạn bài, đọc tài liệu, chấm bài… giờ chấm bài phải chấm trên lớp vì phải dạy cả ngày, giáo viên không có thời gian tái tạo sức lao động, tái tạo chuyên môn, nhiều công việc đổ lên đầu họ vì học sinh quá đông, họ không đủ khả năng quản lý.

Cùng từng là giáo viên phổ thông, PGS.TS Nguyễn Xuân Đức chia sẻ, trước đây một học kỳ, giáo viên phải xuống thăm học sinh 2 lần, phải đi tìm hiểu học sinh cá biệt để xử lý. Tuy nhiên bây giờ giáo viên không làm được vì suốt ngày ở lớp”. Do đó muốn giảm bạo lực học đường để xây dựng văn hóa học đường thì trước hết cần giảm áp lực cho giáo viên.

Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy trò ra trò

Tại Hội thảo, ghi nhận những ý kiến tham luận, thảo luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng các ý kiến đã lưu ý, khơi gợi, phân tích nhiều vấn đề, góc nhìn đa chiều, đa dạng, qua đó cho thấy sự quan tâm, lo lắng về các vấn đề của giáo dục, với mong muốn trường học ngày càng tốt đẹp, học sinh được phát triển, hướng tới ngôi trường hạnh phúc. Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu, tiếp nhận đầy đủ các ý kiến, đồng thời sẽ bàn thảo, lấy ý kiến thêm để hình thành chính sách, chỉ đạo thực thi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, văn hóa học đường không phải bên ngoài đặt vào trong trường học mà chính là những gì đang diễn ra trong trường học, đang được sử dụng để vận hành nhà trường - khi đạt tới chuẩn và các giá trị thì đó là văn hóa học đường. Trong nhà trường hoạt động quan trọng nhất là dạy và học, quan hệ quan trọng nhất là quan hệ giữa thầy và trò, các giá trị có thể khái quát nhất chính là chân - thiện - mỹ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cách tiếp cận văn hóa học đường cần tổng thể và toàn diện, nhưng từ tổng thể cần xác định được những yếu tố cốt lõi, “với một giá trị rộng lớn như văn hóa nếu không tìm chỗ dựa để triển khai sẽ rất khó, cho nên điều đầu tiên là nhà trường, thầy trò cần củng cố và làm thật tốt yếu tố tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc, hoàn thiện và triển khai tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn trường học, có như vậy mới rõ ràng để thực thi, có tiêu chí để hành động, có chỗ để thưởng phạt, khen chê. Làm tốt được những phương diện này cũng sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò mới có thể nói tới các giá trị khác được”.

Xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới cần tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản, quy định; triển khai mạnh mẽ tự chủ trong giáo dục; cải thiện cơ sở vật chất trường học. “Văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng, rất nhiều việc phải làm phía trước. Trường học không phải là ốc đảo tách biệt, văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, xã hội. Cho nên gây dựng, phát triển văn hóa học đường trước hết bắt đầu từ thầy và trò trong nhà trường nhưng có thành công hay không là chuyện của tất cả”, Bộ trưởng khẳng định.