Nghe chương trình tại đây:

Ở tuổi ngoài 90, ông Nguyễn Văn Hạnh quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn được con cháu gọi là "ông già công nghệ". Ông sử dụng smartphone và Ipad một cách thuần thục.

"Có cô em ruột tôi ở TP. HCM, thường xuyên đưa thông tin lên facebook, tôi chỉ việc mở xem hình ảnh. Tôi ở ngoài này có gì hay tôi lại đưa vào đây cho các em/cháu biết" - ông Hạnh chia sẻ.

Không phải ngẫu nhiên ông Hạnh cầm máy là biết gõ văn bản tiếng Việt. “Rèn luyện cả đấy”- ông nói. Được con gái hướng dẫn, muốn đánh dấu sắc thì ông gõ thêm chữ “S”, dấu huyền thì ông gõ “F”…Dần dần ông Hạnh đã tự gõ tin nhắn gửi cho con cháu, bạn bè. Trang facebook của ông cũng hoạt động cập nhật liên tục.

"Tôi không chịu để đầu yên, lúc tôi xem tivi, lúc khác đọc báo" - cách để ông Hạnh không có thời gian nghĩ vẩn vơ. Hàng ngày, ông vẫn cập nhật tin tức thời sự. "Đều đặn 23h tôi đi ngủ và không có dậy đêm, tỉnh lúc nào là dậy, không ngủ lại".

Một nghiên cứu cho thấy, càng có tuổi não càng teo lại. Charles DeCarli, Giám đốc Trung tâm bệnh Alzheimer của UC Davis, đã chia sẻ: “Vấn đề não bạn co lại khi về già nhiều hay ít không nằm ở trí tuệ. Để giảm thiểu tình trạng này, ngay từ thời trẻ bạn nên ngừng hút thuốc, hoặc thức quá khuya. Nên quan tâm đến cân nặng để tránh bị bệnh huyết áp và tiểu đường”. Đó là lý do, muốn chậm lão hóa chúng ta cần phải rèn luyện sức khỏe từ bây giờ.

Bà Phan Hồng Châu - 70 tuổi ở Hà Nội cũng đã chứng minh một điều "chưa bao giờ là quá muộn nếu chúng ta luôn sẵn sàng bắt đầu". Mọi sự thay đổi đến từ đại dịch Covid-19. Hai năm trời văn phòng công ty dường như chỉ có Giám đốc (là bà Châu) và người bảo vệ tòa nhà. Kinh doanh đóng băng, không có lãi, chi phí vận hành vẫn phải bỏ ra, khiến bà căng thẳng. Thời điểm đó bà Châu vô tình tìm thấy bộ loa đã phủ bụi thời gian.

"Tôi không muốn đầu óc mình trống rỗng dù là centimet nào. Không thể lấp đầy bằng công việc thì tôi lấp đầy bằng âm nhạc" - bà Châu chia sẻ. Nghe nhạc nhiều giúp bà phân biệt được từng bản nhạc phù hợp với sắc thái cảm xúc riêng và thế là bà học ghép nhạc vào ảnh làm file video.

"Ví dụ sinh nhật ai đó, tôi ít khi dùng bài Happy Birthday, tôi sẽ tìm bản nhạc thể hiện tích cách người đó. Chỉ cần bức ảnh và bản nhạc mình đã có món quà ý nghĩa tặng họ" - bà Châu thích thú khi đã biết quay dựng video trên điện thoại.

"Tôi thích chụp ảnh, dựng clip, viết bài... Chính những tương tác trên mạng xã hội, nhiều cái tôi không biết, tôi sẵn sàng học hỏi dù đó là bạn trẻ. Tôi nói "Cháu ơi cái này tôi không biết, cháu có thể nói vì sao cháu làm được thế này không?" - Luôn học hỏi, cầu thị là cách giữ đầu óc minh mẫn. Bà Châu không thích gọi là "người già" là vì vậy.

Câu chuyện của cụ bà người Mỹ Nola Ochs là minh chứng cho thấy tuổi tác chưa bao giờ là rào cản để tiếp cận giáo dục. Bà tốt nghiệp đại học ở tuổi 95 và lấy bằng thạc sỹ 3 năm sau đó. “Cha mẹ tôi luôn yêu cầu tôi siêng năng, trung thực và sạch sẽ. Những phẩm chất này giúp ích cho tôi rất nhiều trong những năm tháng học tập ở tuổi xế chiều" - bà Nola trả lời truyền thông. Năm 2016, ở tuổi 105, cụ bà Nola Ochs ra đi với thành tựu học thuật (1 bằng Đại học, 1 bằng Thạc sĩ) và viên mãn gia đạo (4 con trai, 13 cháu, 15 chắt). Câu chuyện của bà Nola Ochs đã chứng minh rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một điều gì đó và tuổi tác không nên là rào cản để một người theo đuổi ước mơ.

Mỗi người có một cách học. Có cụ lựa chọn học môn thể thao mình yêu thích mà khi trẻ chưa có thời gian, có người học nhạc cụ hoặc học ngoại ngữ… Học tập suốt đời (lifelong learning) có rất nhiều lợi ích cho người lớn tuổi. Nó có thể cải thiện chức năng nhận thức, giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và thúc đẩy tương tác xã hội. Học tập giúp đạt thỏa mãn cá nhân và là một cách để tiếp tục gắn bó với thế giới xung quanh.

Lời khuyên của chuyên gia:

Theo bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Cao Vinh - Bệnh viện TW Quân đội 108, lão hóa hệ thần kinh có 2 loại: do bệnh lý và do tuổi tác. Lão hóa bệnh lý phải tìm nguyên nhân như trường hợp bị viêm, u não, dị dạng mạch máu não... bắt buộc phải dùng thuốc điều trị hoặc can thiệp thủ thuật.

Lão hóa theo tuổi tác, người cao tuổi cần chú ý sinh hoạt hàng ngày như tập thể dục, đi bộ, tham gia câu lạc bộ để tăng tương tác xã hội, kích thích tế bào thần kinh. Cần kiêng rượu, bia, hạn chế cà phê, thuốc lá, thuốc lào... Nên sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, ít đồ chiên, rán và không dùng chất kích thích.