Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng. Ngày 1/1/2017, tuyến bắt đầu hoạt động theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Dọc tuyến có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe.

Một trong các mục tiêu chủ yếu của thành phố Hà Nội khi triển khai tuyến buýt nhanh BRT là thay thế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, sau 7 năm vận hành, dư luận cho rằng, tuyến xe này không được như kỳ vọng.

Ở một góc nhìn tích cực, TS Phan Lê Bình cho rằng nếu chỉ nhìn vào các số liệu để đánh giá mức độ hiệu quả của tuyến BRT là không khoa học. Đặc thù xe buýt là loại phương tiện có ít ưu thế để cạnh tranh. Bên cạnh đó, BRT không phải đũa thần để có thể cải thiện tình hình giao thông, đô thị Hà Nội trong ngày một ngày hai, mà cần bắt đầu từ thói quen của người dân. Nếu BRT không bị chèn ép, lấn làn được đi với đúng nghĩa buýt nhanh thì lượng người sử dụng loại phương tiện này sẽ tự khắc tăng lên.

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, điều ông đánh giá cao, đó là loại hình BRT đã được duy trì và vận hành liên tục cho đến nay. Sau 7 năm bất chấp có rất nhiều ý kiến phản đối từ phía người dân, nhưng chính quyền thành phố đã khẳng định được tiêu chí là ưu tiên cho giao thông công cộng và tìm cách hạn chế giao thông cá nhân.

Bên cạnh đó, BRT cũng là phương tiện có lưu lượng khách nhiều nhất trong số các tuyến buýt trong địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ phải trợ giá thấp nhất, đồng thời tốc độ lưu thông trên tuyến BRT cũng nhanh nhất trong tất cả các tuyến buýt Hà Nội hiện nay.

“Tuy nhiên, nếu so với mong muốn giảm ùn tắc giao thông thì đây là việc vô cùng khó tại vì giả sử nếu những người đang sử dụng BRT lại chuyển sang sử dụng ô tô và xe máy thì tôi e rằng tình trạng ùn tắc còn nghiêm trọng hơn”, TS Bình nhận định.

Mới đây, Trước áp lực giao thông ngày càng gia tăng, nhiều lái xe tại Hà Nội đã đề nghị cho ôtô cá nhân chạy vào làn BRT sau 22h hôm trước đến 5h hôm sau (khi BRT dừng hoạt động). Liệu đây có phải là một giải pháp khả thi? Làm thế nào để tối ưu hoá tuyến buýt nhanh BRT?

Theo quan điểm của TS Phan Lê Bình, nếu xét về mặt kỹ thuật thì hoàn toàn có khả thi để triển khai nhưng không nên áp dụng giải pháp này. Bởi từ 22h đến 5h sáng hôm sau, là thời gian các phương tiện lưu thông trên đường không nhiều, các phương tiện cá nhân hoàn toàn có thể sử dụng đúng làn đường, không có lý do gì phải chen vào làn BRT. Hơn nữa, nếu cho phép người dân đi vào làn BRT, vô hình chung sẽ tạo ra sự nhập nhèm trong ý thức của người tham gia giao thông.

Giải pháp mà TS Phan Lê Bình đề xuất, trước hết phải xác định các điểm ùn ứ gây ra bởi ô tô, xe máy lấn làn BRT. Từ đó có biện pháp quyết liệt không để xảy ra tình trạng lấn làn nữa. Về nguyên tắc, BRT là tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Ô tô cũng như xe máy chen lấn vào làn BRT là điều không thể chấp nhận được. Ông Bình mong muốn, chính quyền thành phố cần làm nghiêm, xử phạt triệt để tình trạng này.

“Tôi mong chính quyền Thành phố sẽ khẳng định quyền ưu tiên của giao thông công cộng. Thì khi ấy, chúng ta mới có thể kỳ vọng người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng. Còn nếu cứ định kiến và phá bỏ nỗ lực xây dựng vận tải công cộng, sẽ sớm đến ngày Hà Nội không còn đủ đường sá cho xe cá nhân lưu thông”. TS Bình đề xuất.

Mời các bạn nghe nội dung cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với TS Phan Lê Bình tại đây: