Rối loạn lo âu, trầm cảm nặng mới đi khám sức khỏe tâm thần

Cùng con gái đứng ở hàng lang bệnh viện ngóng ra phía ngoài, gương mặt chị Nguyễn Thị H. lộ rõ vẻ lo âu, buồn rầu. Đang trong kỳ thi giữa học kỳ của lớp 11, bé A - con gái chị bỗng có những biểu hiện bất thường như đêm không ngủ, ngày không ăn, nói năng lảm nhảm, mất trí nhớ, mất kiểm soát hành vi. Vội vàng đưa con lên Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, chị H. được các bác sĩ cho biết con gái chị bị trầm cảm cần nhập viện điều trị.

Chị H. nhớ lại, trước đây có một vài lần con gái về kể với chị chuyện ở trường bị bạn bè trêu chọc, xa lánh, bắt nạt. Tuy nhiên, do bận rộn công việc, chị chỉ khuyên con tập trung vào việc học, không cần để ý tới thái độ của các bạn. Thấy con vẫn đi học, chị yên tâm tưởng mọi việc bình thường cho đến khi tâm bệnh của con bùng phát.

Không riêng trường hợp bé A. nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cũng không được phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn tâm thần. Từ cách đây ba năm, chị Lê Thị T. ở Hà Nội bị mất ngủ triền miên, dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, cảm giác lúc nào cũng đang bị theo dõi. Có những lúc chị nói năng không tỉnh táo, người thân giục chị đi khám bệnh.Tuy nhiên, chị T. khăng khăng cho rằng bản thân vẫn khỏe mạnh, đầu óc bình thường.

Và còn một lý do khác khiến chị không muốn đi khám là lo sợ bị những người xung quanh bàn tán, kỳ thị, cho rằng chị bị điên nên mới phải vào bệnh viện tâm thần. Gần đây, khi cảm thấy hoàn toàn mất sức, mệt mỏi rã rời, đi đứng không vững, chị T. mới chấp nhận để người nhà đưa vào bệnh viện. Chị được chấn đoán bị mất ngủ, rối loạn lo âu. Sau vài ngày điều trị nội trú, chị T. thấy thần kinh đỡ căng thẳng hơn, sau khi ngủ dậy đầu óc tỉnh táo hơn.

Những áp lực, căng thẳng trong cuộc sống cũng khiến chị Q. – 26 tuổi ở Hà Nội phải vào Viện Sức khỏe tâm thần để điều trị. Đi theo chăm sóc con gái, bà X. mẹ chị Q. cho biết, chị Q. mới sinh con được 7 tháng. Cách đây khoảng nửa năm, chị đã vay mượn một ít tiền để thuê cửa hàng làm nail. Chồng chị Q. không có công ăn việc làm, chỉ ở nhà trông con. Một mình gánh vác kinh tế của cả gia đình, lo trả nợ, lo tiền ăn tiêu hàng ngày, bỉm sữa, học hành của con, chị Q. rơi vào căng thẳng tâm lý, rối loạn lo âu lúc nào không hay. Chỉ đến gần đây, khi thấy chị vừa xem điện thoại vừa cười một cách vô thức, không kiểm soát được lời nói và hành vi, bà X. mới nhận ra con gái không bình thường và đưa con đến bệnh viện. Bà X. buồn rầu cho biết, bác sĩ thông báo bệnh của con gái bà không được phát hiện sớm nên đã chuyển sang giai đoạn 2.

Nguyên nhân khiến các rối loạn tâm thần chưa được phát hiện sớm

Theo Bộ Y tế, tại nước ta, khoảng 15% dân số đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, tương đương 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu là những rối loạn tâm thần thường gặp chiếm tỷ lệ cao, lên tới 5 đến 6% dân số. Còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác. Căn bệnh này được ví như tảng băng trôi, đang âm thầm tàn phá sức khỏe và cuộc sống của nhiều người.

Theo bác sĩ Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, khi gặp các vấn đề như căng thẳng tâm lý hay mất ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu... người bệnh ít khi đến thẳng chuyên khoa tâm thần mà thường đi khám các chuyên khoa khác trước. Nguyên nhân là do chính bản thân người bệnh không nhận ra bản thân đang gặp bất ổn về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, đa số mọi người thường chú trọng sức khỏe thể chất hơn. Khi mắc các bệnh lý thực thể thì thường coi đó là vấn đề cấp thiết, quan trọng và đi khám ngay. Trong khi đó nếu bị lo âu, mất ngủ, stress... thì lại cố chịu đựng, không coi đó là bệnh lý và không đi khám bệnh.

Bên cạnh đó, cũng không ít người do xấu hổ, ngại ngần, lo sợ bị kỳ thị mà không muốn bộc lộ tình trạng sức khỏe tâm thần của bản thân, không đi khám vì sợ người quen bắt gặp.

“Nhiều người vẫn còn quan niệm, người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần có nghĩa là điên và bệnh viện tâm thần là cơ sở y tế chữa trị người điên. Đấy là do trước đây, người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần không được phát hiện và điều trị sớm, dẫn đến bị loạn thần, đi lang thang, có các biến chứng nên điều trị rất khó. Song thực tế có khoảng 30 bệnh/rối loạn tâm thần thường gặp mà tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm rất nhỏ” – BS Lê Công Thiện giải thích.

Một nguyên nhân hết sức quan trọng nữa, đó là trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Lao động vẫn có quy định khám sức khỏe cả thể chất và tâm thần cho người lao động. Tuy nhiên, trong thực tế thì khi tiến hành sức khỏe định kỳ cho người lao động, việc tư vấn tâm lý, khám sức khỏe tâm thần chưa được nhiều cơ quan, đơn vị chú trọng – BS Lê Công Thiện cho biết thêm.

Sức khỏe tâm thần cũng cần được thăm định kỳ như sức khỏe thể chất

Cũng theo BS Lê Công Thiện, khái niệm về sức khỏe tâm thần thực ra rất đơn giản. Đó là khi chúng ta có cách nhìn nhận cuộc sống từ đó biết rút ra những quy luật và có cách hành xử một cách đúng đắn, đúng thời điểm, đúng vị trí, vai trò. Khi một người có suy nghĩ và hành vi không đúng mực, hạn chế về trí nhớ hoặc trí tuệ thì được coi là có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Theo các chuyên gia y tế, bất cứ ai cũng có thể gặp các rối loạn tâm thần, ít nhất là trong một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Do đó, cộng đồng cũng như người bệnh nên nhìn nhận bệnh lý này giống như các căn bệnh khác về sức khỏe thể chất, quan tâm, phát hiện sớm các bất ổn về sức khỏe tâm thần để được can thiệp kịp thời. Việc thăm khám sức khỏe tâm thần nên được thực hiện gắn với từng nhóm đối tượng cụ thể và từng giai đoạn cụ thể của đời người.

“Tính cách của một người được hình thành ngay từ lứa tuổi mẫu giáo, học tiểu học, trung học. Như vậy, chúng ta nên đặc biệt quan tâm đánh giá xem các cháu có vấn đề gì về học hành hoặc về suy nghĩ, cảm xúc, ứng xử hay không? Đặc biệt khi chuyển cấp, chuyển trường, chuyển lớp, trẻ cũng dễ mắc các rối loạn về sức khỏe tâm thần. Hoặc với người trưởng thành, ở những giai đoạn đặc biệt như phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, giai đoạn chuẩn bị về hưu...cũng dễ có những vấn đề về tâm lý. Cũng giống như khám sức khỏe thể chất, tôi khuyến cáo chúng ta nên đi khám sức khỏe tâm thần 6 tháng – 1 năm/lần, tùy từng đối tượng. Chẳng hạn những trường hợp mà tiền sử gia đình có vấn đề sức khỏe tâm thần, có bệnh lý tâm thần thì nên đi khám để tầm soát” – BS Lê Công Thiện hướng dẫn đồng thời nhấn mạnh các vấn đề về tâm lý và tâm thần cần phải được nhận diện từ sớm, từ xa để can thiệp kịp thời.

“Ví dụ khi bị mất ngủ, nhiều người chủ quan không đi khám sớm. Tuy nhiên, mất ngủ gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống của người bệnh. Nếu như các vấn đề sức khỏe tâm thần trong xã hội không được quan tâm đúng mức thì điều đầu tiên là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Khi còn nhỏ thì ảnh hưởng đến khả năng khả năng học tập, tính cách. Sau này lớn lên sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, giảm khả năng tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Mặt khác, các rối loạn tâm thần nếu phát hiện muộn và chậm trễ sẽ dẫn tới hậu quả là việc điều trị khó khăn, tốn kém về mặt chi phí. Chưa kể những hệ lụy cho gia đình, xã hội như người bệnh tâm thần phải có người chăm sóc, nuôi dưỡng. Như vậy, hậu quả rất lớn và nặng nề” – BS Lê Công Thiện phân tích.