Những giá trị lịch sử, những nét đẹp văn hóa truyền thống chính là hồn cốt của mỗi quốc gia, dân tộc. Giữa lối sống, trào lưu của sự hiện đại, năng động, nhiều bạn trẻ lại trăn trở tìm về những giá trị xưa cũ với mong muốn được góp sức mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị đó.

Hành trình tìm về cội nguồn văn hóa

Nói tới lĩnh vực số hóa di sản, không thể không nhắc đến một người trẻ đã dành nhiều tâm huyết, thời gian, công sức để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa của dân tộc – đó là anh Đặng Phan Điệp, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt.

Ban đầu, anh Điệp là thành viên nhóm Ươm Tạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau đó, anh cùng hai người bạn quyết định thành lập Công ty cổ phần giải pháp phần mềm chuyên nghiệp Việt với suy nghĩ sẽ cung cấp những ứng dụng phần mềm tiên tiến nhất cho các công ty chuyên về thiết kế, kế toán hay một lĩnh vực nào khác. Vậy nhưng, dự án đầu tiên mà công ty được nhận lại là thiết kế bảo tàng ảo với hai trưng bày chuyên đề phật giáo và đèn cổ quốc gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Sau thành công đó, công ty của anh Điệp dần dần phát triển mạnh hơn về mảng số hóa ở lĩnh vực văn hóa như hiện vật, bảo tàng, di sản… Anh Điệp cho biết, công việc của anh là sự kết hợp của hiện đại và quá khứ, giữa cái mới mẻ và cổ xưa, để làm được điều đó thì chắc chắn phải có sự đam mê.

“Có lẽ nó là một chữ duyên và cũng cần có sự đam mê rất lớn. Những dự án ban đầu lại là phối hợp với bảo tàng, với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thiết lập các ứng dụng phần mềm vào các di sản văn hóa. Qua quá trình ngày ngày càng đi sâu vào số hóa di sản thì lại càng thấy văn hóa là lĩnh vực rất hay và từ đó mình càng muốn phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc”, anh Điệp khẳng định.

Tháng 9 năm 2021, dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” do một nhóm 10 bạn trẻ lập nên với một fanpage trực thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn miếu – Quốc Tử Giám nhằm lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Dự án không chỉ quảng bá các hoạt động văn hóa giao lưu, cũng như cung cấp thông tin về lịch sử Việt Nam trung đại tới công chúng mà còn tập trung thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật gần gũi với người trẻ trong và ngoài nước, các chương trình trò chuyện chia sẻ về giá trị và sức sống của giáo dục xưa trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Bạn Hoàng Đoan Trang, đồng sáng lập dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” cho biết, đối tượng mà dự án hướng tới là các bạn trẻ. Chính vì vậy, nhóm đã triển khai trên nền tảng mạng xã hội với cách thức gần gũi, thân thiện, để các bạn trẻ được sống và cảm nhận không gian của những giá trị văn hóa.

Sriver cũng là một nhóm những nhà thiết kế trẻ tâm huyết với dòng tranh dân gian. Các dữ liệu dân gian được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên các thiết kế đương đại đã mang đến công chúng một không gian lưu giữ những giá trị thuyền thống theo một phương thức hoàn toàn tươi mới, hiện đại và đầy cảm hứng. Đặc biệt, những sản phẩm của nhóm sẽ gợi mở ra những tiềm năng ứng dụng của các dòng tranh dân gian vào cuộc sống hiện đại.

“Mục tiêu lớn của dự án là bảo tồn, phát triển và khai thác các dòng tranh dân gian. Và đầu tiên chính là tranh Hàng Trống. Trong lộ trình làm thì tổng hợp tranh, sưu tầm những cuốn sách về tranh, kết hợp với các doanh nghiệp để ứng dụng nó vào các sản phẩm”, chị Nguyễn Thị Trà My, Đại diện truyền thông của nhóm Sriver chia sẻ.

Trong lĩnh vực cổ phục Việt, Nguyễn Đức Lộc - chàng trai 9X có niềm đam mê mãnh liệt với lịch sử và thời trang đã sáng lập ra Ỷ Vân Hiên, một thương hiệu cổ phục Việt. Ỷ Vân Hiên được thành lập từ tháng 8 năm 2018, đến nay đã trở thành đơn vị phỏng dựng cổ phục nhiều người biết đến. Cổ phục của Ỷ Vân Hiên xuất hiện ở nhiều dự án từ điện ảnh, các sản phẩm âm nhạc, cho đến các sân khấu, sàn diễn thời trang... Đó không chỉ là niềm tự hào với người sáng lập ra Ỷ Vân Hiên nói riêng mà còn của những người yêu văn hóa, nghệ thuật, lịch sử truyền thống nói chung.

Giới trẻ và niềm tự hào với văn hóa dân tộc

Thực tế cho thấy, giới trẻ không phải đang dần xa rời và lãng quên đi lịch sử nước nhà mà thực chất chỉ là đang chưa tìm được phương thức phù hợp để tiếp cận với lịch sử mà thôi. Nhất là ngày nay, giữa sự hội nhập giao thoa văn hóa, giới trẻ ngày càng có xu hướng quay về tìm hiểu, nghiên cứu văn hoá truyền thống.

Anh Nguyễn Đức Lộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên cho rằng, người trẻ ngày nay tìm hiểu nhiều hơn đến các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử không chỉ là trào lưu, là chạy theo xu hướng hay để check-in sống ảo mà thực sự họ muốn hiểu biết hơn về cội nguồn văn hóa dân tộc. Người trẻ đã hiểu và nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình với cộng đồng, với lịch sử, văn hóa. Họ biết được rằng bản thân họ chính là thế hệ gạch nối giữa quá khứ và hiện đại. Họ chính là những sứ giả tuyệt vời mang những nét đẹp văn hóa truyền thống đến gần hơn với cộng đồng.

Nếu như trước đây, phần lớn những người quan tâm đến lịch sử và các di tích văn hóa dân tộc ở nước ta có độ tuổi trung bình từ 40 tuổi trở lên, thì hiện nay, số tuổi đang dần được trẻ hóa. Lí do bắt nguồn từ việc giá trị văn hóa tốt đẹp được lan truyền trên không gian mạng với nhiều hình thức phong phú, thu hút và đánh trúng tâm lý của người trẻ. Thực tế cho thấy, việc một số bạn trẻ thực hiện các video, clip đăng trên các nền tảng Facebook, TikTok, YouTube với nội dung quảng bá văn hóa vùng miền cũng là một cách để quảng bá, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống.

Hơn nữa, người trẻ ngày nay được tạo điều kiện để tiếp cận, hưởng thụ đời sống văn hóa đa dạng. So với thế hệ cha anh, bây giờ họ có nhiều thuận lợi hơn khi họ có nhiều hội nhóm để giao lưu, học hỏi, dễ dàng tham khảo kiến thức để có thể xác định hướng đi đúng đắn cho niềm đam mê của mình.

Ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý Giám đốc tại Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam, Cố vấn các hoạt động phát huy giá trị du lịch của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhận định: “Lâu nay, người ta vẫn nghĩ là di sản chỉ là khái niệm gì đó chỉ dành cho người trung tuổi trở lên. Nhưng thời gian gần đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia và cuốn hút vào sức hấp dẫn của di sản, mong muốn là tiếp tục duy trì và phát huy những giá trị lâu dài cho di sản. Khi các bạn trẻ tiếp cận thì có một lợi thế rất lớn là các bạn đưa sự tươi mới của tuổi trẻ để giúp cho di sản trong một cái hình hài mới hơn và nó gần với cuộc sống đương đại hơn”

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, những năm gần đây, chất liệu dân gian, truyền thống được các bạn trẻ yêu mến, tìm hiểu và phát triển theo lĩnh vực của bản thân. Điển hình như trong lĩnh vực âm nhạc, các nhạc sỹ, ca sỹ trẻ đã tìm ra cách để khai thác văn hóa dân gian của dân tộc đưa vào các tác phẩm của mình. Điều đó cũng đem đến cho giới trẻ những hướng đi mới mẻ song cũng góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Có thể nói, phát triển văn hóa dân tộc không chỉ là bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn quảng bá những giá trị, tinh hoa của văn hóa dân tộc ra thế giới, góp phần định hình vị trí, vai trò, cũng như những đóng góp của văn hóa dân tộc trong dòng chảy lịch sử văn hóa nhân loại. Trong hành trình ấy, không thể không để đến những đóng góp của các bạn trẻ. Và thực tế cho thấy giới trẻ vẫn luôn trân trọng và không ngừng tìm hiểu, sáng tạo để tiếp nối mạch nguồn, làm sống lại những giá trị văn hóa lâu đời.

Mời nghe cuộc trò chuyện giữa phóng viên VOV2 với anh Nguyễn Đức Lộc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên - công ty chuyên về những trang phục cổ của dân tộc: