20h ông Đặng Qúy Bằng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Trung Phụng (quận Đống Đa, Hà Nội) lại cùng với thành viên trong Hội đi đến các hộ gia đình để vận động người dân tham gia đợt hiến máu nhân đạo sắp tới của phường.

20 năm công tác trong Hội Chữ thập đỏ, ông Bằng là một trong những hạt nhân tích cực đi vận động, tuyên truyền cho người dân về hiến máu cứu người. "Chúng tôi đi vận động chủ yếu vào thứ 7 và Chủ nhật, còn ngày trong tuần sẽ đi sau 20h. Ai đăng ký thì mình sẽ ghi thông tin vào phiếu, đến ngày hiến máu thì gọi điện nhắc lịch cho họ" - công việc theo suốt ông 20 năm qua nhưng chưa bao giờ ông thấy chán.

Ngày còn trẻ, ông Bằng không tham gia hiến máu. Chỉ khi về hưu tham gia công tác ở Hội, ông tự nhận mình được "mở mang kiến thức" về hiến máu cứu người. "Tôi về vận động con cháu trong nhà đầu tiên. Đến nay con gái tôi đã có 15 năm hiến máu" - ông Bằng vui vẻ kể lại.

Những năm qua, phường Trung Phụng là một trong 5 phường của quận Đống Đa luôn vượt chỉ tiêu hiến máu. Năm 2020, phường tiếp nhận 132 đơn vị máu, đạt 138,8%. Ở phường đã hình thành những gia đình hiến máu tiêu biểu, nhiều người tự nguyện hiến máu theo định kỳ.

Bà Nguyễn Hồng Hà đã ngoài 60 tuổi. Nghe các phương tiện truyền thông nói về ý nghĩa của hiến máu nhân đạo, bà cũng đăng ký tham gia. Có lần đầu rồi sẽ có những lần sau. Sau nhiều lần hiến máu, bà Hà thấy sức khỏe của mình vẫn tốt nên bà càng yên tâm, tích cực tham gia những lần sau. "Tôi chẳng nghĩ gì hết, thấy người ta làm được thì mình cũng làm được" - Bà Hà nói về lý do đi hiến máu của mình.

Máu là một phần không thể thiếu của cơ thể con người, có chức năng quan trọng để duy trì sự sống bằng cách cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tuy nhiên, máu không thể sản xuất ra mà chỉ đến từ việc hiến máu nhân đạo.

Theo thống kê của Ngân hàng máu Việt Nam thì mỗi năm, các bệnh viện trong nước cần khoảng 1,8 triệu đơn vị máu, nhưng thực tế lượng máu nhận được chỉ xấp xỉ 1 triệu đơn vị, mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu sử dụng. Bài toán chỉ được giải quyết bằng chính con người với tinh thần "tương thân tương ái".

Anh Phạm Chí Trung (phường Trung Phụng) cho biết cách đây mấy năm bố anh cũng vào viện cấp cứu trong tình trạng cần một lượng máu lớn. Anh Trung quay trở lại CLB Hiến máu trường Đại học Thủy Lợi - nơi anh theo học trước đây để nhờ các thành viên giúp đỡ. "Việc làm của các bạn trẻ càng thôi thúc tôi nếu có cơ hội sẽ tham gia hiến máu" - anh Trung chia sẻ.

Người dân càng nhận thức cao về việc hiến máu ông Bằng càng vui. Gặp những người đã từng tham gia hiến máu ở phường, ông Bằng mừng như gặp lại người bạn cũ.

2 nhiệm kỳ làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường, hình ảnh ông Bằng tóc bạc trắng đi vận động hiến máu đã quá quen thuộc với người dân nơi đây. Ông Đặng Đình Bảng, thành viên Hội Chữ thập đỏ chia sẻ: "ông Bằng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều hội viên".

Chị Lê Thanh Hằng (Phòng Truyền thông, Viện Huyết học Truyền máu TW) luôn ấn tượng về ông Bằng - một trong hàng ngàn nhà quản lý của các đơn vị đã cần mẫn, bền bỉ gắn bó với công tác vận động hiến máu. "Mọi lần tổ chức hiến máu thấy bác tất bật, có khi còn thoăn thoắt kéo xe ra để giúp đoàn tiếp nhận máu vận chuyển đồ" - chị Hằng tâm sự.

Thành công của những chương trình hiến máu nhân đạo có phần đóng góp rất lớn của những cán bộ cơ sở. Họ cứ lặng thầm đi từng ngõ, đến từng nhà để truyền đi thông điệp “Hiến máu cứu người - Một nghĩa cử cao đẹp”.

Năm 2020, mặc dù bị tác động bởi đại dịch COVID-19 nhưng với sự chung sức đầy trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, sự chia sẻ của cộng đồng, sự hỗ trợ chủ động của nhiều cơ quan truyền thông và những thay đổi về cách thức tổ chức hiến máu trong giai đoạn phòng chống dịch, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được 324.540 đơn vị máu từ 25 tỉnh/thành phố; trong đó 78% là đơn vị máu thể tích 350 ml trở lên. Đồng thời, Viện đã đảm bảo cung cấp 602.800 đơn vị chế phẩm máu các loại tới 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh/thành phố (với diện bao phủ xấp xỉ 41 triệu dân)..