Công dân từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Người tham gia có thể mua BHXH tự nguyện tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (nơi tạm trú hoặc thường trú) và sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Không chỉ có vậy, khi hưởng lương hưu, người tham gia sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe.

Theo quy định, hiện có 06 phương thức tham gia mà đối tượng có thể lựa chọn như: Đóng hàng tháng; Đóng 3 tháng một lần; Đóng 6 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần. Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm. Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu.

Không chỉ được hưởng lương hưu, người tham gia BHXH tự nguyện còn được hưởng tiền trợ cấp mai táng phí và tiền tử tuất khi qua đời như những người tham gia BHXH bắt buộc.

Anh nông dân “chính hiệu”, Nguyễn Văn Phúc 51 tuổi ở thôn Trường An, xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chỉ có nguồn thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi. Điều anh Phúc lo lắng nhất là khi về già, hết tuổi lao động, anh sẽ trông cậy vào đâu khi các con cũng không khá giả. Cách đây 5 năm, được nghe tuyên truyền về những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện anh đã đăng ký tham gia ngay với mức 300.000 đồng/tháng, sau đó vợ anh là chị Trần Thị Đông cũng tham gia cùng chồng. Anh chị chọn mức đóng 6 tháng 1 lần.

Trước khi tham gia BHXH tự nguyện, anh Phúc, chị Đông được nhiều đại lý bảo hiểm thương mại "săn đón" để tư vấn, mời anh mua sản phẩm, thế nhưng anh chị đều gạt đi vì cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm thương mại không thể đáp ứng được nhu cầu khi phải bỏ một số tiền lớn đóng nhưng tính xã hội lại không có, trong khi đó, BHXH tự nguyện hội đủ những yếu tố mà vợ chồng anh Phúc cần. Do lúc tham gia khi tuổi không còn trẻ, nhưng anh Phúc chị Đông vẫn sẵn sàng tích lũy để khi hết tuổi lao động, anh tham gia BHXH một lần để được hưởng lương hưu ngay.

Chị Nguyễn Thị Diễm – Nhân viên bưu điện phụ trách xã Đại Quang, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết: Vì những lợi ích mà BHXH tự nguyện mangn lại nên thời gian qua, số người tham gia BHXH tự nguyện là người nhiều tuổi như vợ chồng anh Phúc, chị Đông trên địa bàn xã đã tăng lên đáng kể.

Mỗi ngày để dành một số tiền nhỏ nhưng lợi ích lâu dài về sau rất lớn nên BHXH tự nguyện đang ngày càng thu hút được những người dân trên địa bàn xã Đại Quang, tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Năm 2017 (thời điểm trước khi Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH được ban hành), số người tham gia BHXH tự nguyện là hơn 200 nghìn người thì đến năm 2020, đã có trên 1,128 triệu người, tăng gấp 2 lần so với năm 2019, bằng cả 12 năm trước cộng lại, cao hơn 1,1% so với chỉ tiêu năm 2021 Nghị quyết số 28 đặt ra. Và chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, tuy công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của Ngành gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng toàn quốc đã có 1,206 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 69% kế hoạch được giao. Những con số này tiếp tục khẳng định rõ nét vai trò “then chốt” của công tác truyền thông chính sách BHXH trong việc phát triển hiệu quả người tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua.