Những năm qua, Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau được biết đến là một trong những mô hình chăm sóc và hỗ trợ người cao tuổi rất hiệu quả. Không chỉ được các cơ quan, tổ chức trong nước đánh giá cao, bạn bè quốc tế cũng coi đây là một sáng kiến trong việc chăm sóc sức khỏe. Minh chứng là tổ chức Y tế Thế giới đã đưa vào Kế hoạch Hành động Khu vực về Già hóa khỏe mạnh như một điển hình tốt. Đặc biệt, tháng 7/2020, mô hình này còn đạt giải nhất của cuộc thi Sáng kiến Vì một Châu Á Già hóa Khỏe mạnh lần thứ nhất, do Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Nam Á và Trung tâm Giao lưu Quốc tế Nhật Bản thực hiện. “Các CLB đều đảm bảo chỉ tiêu về thành phần thành viên theo quy định: 70% là người cao tuổi, 30% là người trẻ tuổi. Cách tiếp cận “liên thế hệ” giúp mô hình này phát huy thế mạnh của lớp người cao tuổi và người trẻ tuổi”, - ông Ngô Trọng Vịnh, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam tự hào.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc hội viên, Hội Người cao tuổi Việt Nam không ngừng thúc đẩy phát triển mô hình này. Đến nay, cả nước có gần 3.500 câu lạc bộ với khoảng 170 nghìn hội viên, trong đó riêng người cao tuổi là hơn 130.000 người. Tỉnh Tây Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong việc nhân rộng mô hình. Bà Nguyễn Ngọc Nhuyễn, Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh Tây Ninh cho biết, toàn tỉnh hiện có 120 câu lạc. So với kế hoạch đặt ra, số lượng câu lạc bộ tăng gấp 6 lần. Nhờ mô hình này, nhiều hộ gia đình đã thoát được nghèo. “Câu lạc bộ xây dựng được mô hình bò cái sinh sản rất hiệu quả. Chúng tôi hỗ trợ vội viên về giống, vốn, kỹ thuật…Hiện đã có 4 hộ gia đình hội viên thoát nghèo bền vững” - bà Nhuyễn chia sẻ. Thậm chí, thông qua mô hình này, người cao tuổi ở tỉnh Tây Ninh còn có những đóng góp thiết thực vào sự thay đổi của địa phương. Có thể kể đến là những con đường gắn với tên Hội người cao tuổi, do người cao tuổi đóng góp xây dựng. “Hội chúng tôi đã tham gia làm được 6 con đường” - bà Nhuyễn tự hào.
Tại tỉnh Bến Tre, mô hình này cũng đã được nhân rộng ra khắp các huyện, thị. Ông Nguyễn Châu Sơn, Phó Ban đại diện Người cao tuổi Bến Tre cho biết, dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng lãnh đạo các địa phương đều hỗ trợ thành lập câu lạc bộ. Đáp lại sự quan tâm đó, bên cạnh nhiệm vụ chính là giúp hội viên sống vui, sống khỏe, câu lạc bộ cũng phát huy vai trò của người cao tuổi trong các phong trào, hoạt động của địa phương. “Các hội viên đều tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Ở đâu có câu lạc bộ thì ở đó luôn chan chứa tình làng nghĩa xóm, an ninh được đảm bảo” - ông Sơn cho biết.
Tại tỉnh Bạc Liêu, mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau còn được nhắc đến như một “điểm sáng” về hỗ trợ người nghèo vươn lên. Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Hiền Lương, Trưởng Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh Bạc Liêu cho biết toàn tỉnh có 28 câu lạc bộ. Từ nguồn vốn hỗ trợ của mô hình này, nhiều hội viên đã cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống với các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông chia sẻ: “Chúng tôi phối hợp với một số đơn vị liên quan, nhất là bên khuyến nông để giúp những hội viên vay vốn về cây, con giống, kỹ thuật…Đây là yếu tố giúp hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả”.