Chỉ thích nhận lương hưu trực tiếp
Đó là thói quen của ông Vũ Lương Đồng (78 tuổi, phường Bách Khoa, Hà Nội) diễn ra gần 30 năm qua.
Thông thường, điểm chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ bắt đầu làm việc từ 8h. Song, từ 5h30, ông đã di chuyển đến điểm chi trả ở UBND phường Bách Khoa để xếp sổ nhận lương hưu.
Ông cho biết, không chỉ riêng ông, mà các đồng nghiệp cũ đã nghỉ hưu, sinh sống trên địa bàn đều đến rất sớm để nhận lương hưu.
Lý giải về việc trên, ông Đồng cho biết: "Tuổi cao, khả năng sử dụng điện thoại thông minh rất kém khiến tôi còn nhiều e ngại nhận lương hưu qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM). Mặt khác nhận lương trực tiếp cũng là dịp để tôi được gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp cũ. Do đó hiện tại tôi vẫn chọn nhận lương hưu trực tiếp".
Cũng giống như ông Đồng, tại mỗi buổi chi trả lương hưu tại điểm chi trả UBND phường Bách Khoa đều có khoảng hơn 50 người, chủ yếu ở độ tuổi trên 75 tuổi.
Các cụ lĩnh lương hưu thường xếp hàng tuần tự từ rất sớm. Đa số đều cho rằng nhận lương trực tiếp phù hợp với bản thân vì đây là thói quen nhiều năm. Không chỉ vậy, các cụ tuổi cao khiến khả năng sử dụng thiết bị thông minh kém, nên e ngại đăng ký nhận lương qua thẻ ATM.
Tại điểm chi trả lương hưu ở huyện Thanh Trì, từ sáng sớm, ông Phạm Ngọc Quý (72 tuổi, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) cùng hàng trăm người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội của địa phương này đến Bưu điện trung tâm chờ lĩnh tiền, xếp hàng theo thứ tự.
Sống cùng địa bàn nên đa số người cao tuổi đều quen biết nhau, khi gặp nhau ai nấy đều tay bắt mặt mừng. Sau những lời chào hỏi, trong thời gian chờ đợi, mọi người kể cho nhau nghe chuyện về con cái, gia đình, chia sẻ với nhau kế hoạch đón Tết cổ truyền.
Chính vì có thói quen đến điểm chi trả rất sớm, nên đến 9h, ông đã được nhận số tiền gộp 2 tháng lương hưu là hơn 10 triệu đồng.
"Tôi sẽ dùng số tiền này để chăm sóc sức khỏe bản thân, đưa cho bà nhà tôi đi mua sắm Tết, mừng tuổi các cháu...", ông Quý cho biết thêm.
Nguyên nhân tỷ lệ hưởng qua thẻ ATM thấp
Giám đốc Bưu điện Trung tâm Thanh Trì Đàm Thị Chi cho biết, dịp này, các điểm chi trả trên địa bàn huyện tiến hành chi cho tổng số hơn 18.000 người thụ hưởng, trong đó 65% nhận tiền mặt, 35% nhận qua tài khoản ATM.
Theo bà Chi, ngày trả lương hưu là dịp để các cụ trò chuyện, hàn huyên nên ai cũng vui vẻ, phấn khởi như đi hội. Đây cũng chính là lý do người cao tuổi lựa chọn lấy tiền trực tiếp thay vì nhận qua tài khoản.
Do vậy, khi chi trả trực tiếp, quy trình nhận lương hưu đơn giản khi các cụ chỉ cần xếp hàng lấy số thứ tự, xếp hàng đến lượt trình thẻ chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội, xác định đúng đối tượng, rồi nhận tiền lương và ký nhận.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, dù liên tục tuyên truyền, vận động, song đến nay số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân chỉ đạt hơn 44%.
Theo đánh giá, số người nhận lương qua thẻ ATM chưa đạt kết quả như mong muốn vì đa số người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tuổi đã cao, khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, có thói quen sử dụng tiền mặt. Ở một số nơi, mạng lưới cây ATM còn ít, khiến người nhận lương thấy bất tiện nếu nhận tiền qua thẻ.
Thực hiện mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội khuyến khích người hưởng lương nói chung, người hưởng lương hưu nói riêng nhận tiền lương và các khoản trợ cấp hằng tháng qua thẻ ATM.
(Theo dantri.com.vn)