Thực hiện chương trình “Người cao tuổi chung tay xây dựng nông thôn mới” của Trung ương Hội Người cao tuổi, các cấp Hội người cao tuổi đã tích cực hưởng ứng và triển khai rộng rãi, mang đến những kết quả đáng khích lệ. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Với kinh nghiệm, tri thức và vốn sống của mình, người cao tuổi các địa phương đã phát huy tinh thần “Tuổi cao chí càng cao” chung tay xây dựng nông thôn mới tại quê hương, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

Sau hơn 3 năm thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội là một trong những xã đạt 19/19 tiêu chí chuẩn nông thôn mới sớm nhất, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và cờ thi đua xuất sắc. Chung tay xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Song Phượng, huyện Hoài Đức cho biết người cao tuổi luôn là nòng cốt trong việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, tổ chức lễ hội truyền thống.

“Người cao tuổi chúng tôi tham gia Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa của làng, vận động nhân dân trùng tu, tôn tạo di tích ngày một khang trang, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc” – ông Chiến cho biết.

Đến xã Song Phượng, chắc hẳn ai cũng dễ dàng nhận thấy một diện mạo nông thôn mới đã hiện diện ở khắp mọi nơi. Một trong những thành quả được người cao tuổi địa phương tích cực thực hiện là xây dựng mô hình nghĩa trang nhân dân văn minh theo tiêu chí thứ 17, cải tiến việc cưới, việc tang vừa giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa phù hợp với xu hướng phát triển hiện đại.

Ông Chiến khẳng định “Hội người cao tuổi chúng tôi làm nòng cốt xây dựng văn hóa ở khu dân cư chỉnh trang lại nghĩa trang đầu làng, giờ có đường bê tông, đường điện, có nước đầy đủ để bà con thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ”.

Phát huy vai trò trong xây dựng nông thôn mới, 465 người cao tuổi ở xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên đi đầu trong phong trào trồng cây làm theo lời Bác. Hàng trăm cây xanh được trồng trên các nghĩa trang nhân dân và các trục đường lớn, nhỏ được chăm sóc, phát triển. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, các cụ còn vận động gia đình, con cháu tắt hàng trăm bóng đèn, tiết kiệm hàng trăm kw điện năng nhân ngày trái đất năm nay.

Ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ thêm “Người cao tuổi tham gia vào nhiều phong trào ở địa phương như đảm nhiệm vệ sinh đường làng ngõ xóm, nơi công cộng và khu dân cư, tuyên truyền vệ sinh môi trường sạch đẹp”.

Người cao tuổi xã Phúc Tiến còn tích cực tham gia công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Việc vận động con cháu và người thân tích cực học tập, nâng cao kiến thức theo các cụ là rất cần thiết trong xây dựng các tiêu chí về nông thôn mới,

Theo ông Đức, người cao tuổi xã Phúc Tiến tích cực tuyên truyền, vận động các dòng họ xây dựng quỹ khuyến học. Hiện cả xã có 13 dòng họ có quỹ khuyến học. Hàng năm cứ vào ngày 2/9 và các ngày lễ lớn, các dòng họ thường tổ chức khen thưởng cho các cháu có thành tích tốt trong học tập, các cháu học sinh giỏi, các cháu thi đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng, các cháu học sinh nghèo vượt khó vươn lên...

Phong trào xây dựng nông thôn mới được lan tỏa rộng khắp, người cao tuổi khắp các địa phương tích cực hưởng ứng, vận động con cháu hiến hàng trăm mét vuông đất, hàng nghìn ngày công như chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thắng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.

Bà Thắng cho biết, Hội người cao tuổi xã Bắc Sơn nêu cao tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, gương mẫu thực hiện, vận động con cháu trong gia đình, dòng họ và nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới. “Người cao tuổi vận động mở rộng và làm đường bê tông nông thôn với tổng số hơn 5 nghìn m2 đất và làm 60km đường bê tông nông thôn, đóng góp hàng nghìn ngày công, hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi” – bà Thắng vui vẻ cho biết.

Bên cạnh việc hiến đất, mở rộng đường thì xã Bắc Sơn còn phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, trồng và chăm sóc đoạn đường nở hoa, cây cảnh khu vực đường tự quản, góp phần gìn giữ môi trường xanh, sạch, đẹp. Những việc làm thiết thực đó không chỉ làm đẹp cảnh quan, diện mạo cho địa phương mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về bảo vệ môi trường.

Bà Thắng tự hào khoe “Hội viên người cao tuổi thông Đa Hội đóng góp hơn 500 m2 đất và hơn 270 triệu đồng xây dựng công viên mini cho các cháu có không gian vui chơi, tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao...”

Để có những thành quả ấy bên cạnh sự nỗ lực, đóng góp của từng cá nhân hội viên, Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội cũng tạo điều kiện tốt nhất để các cụ tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, đóng góp hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Xuân Nguộn, Ủy viên thường trực Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội khẳng định: “Chúng tôi luôn khuyến khích các hội viên tham gia, phát huy vai trò gương mẫu, chung tay giúp các Ban chỉ đạo ở địa phương sớm hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới”.

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, người cao tuổi đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn ngày càng văn minh, giàu đẹp.