Với sự phát triển của xã hội hiện đại, người cao tuổi ngày nay có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc tự chăm sóc sức khỏe, biết cách tự tạo niềm vui cho mình và chủ động về kinh tế. Không ít cụ ông, cụ bà dù tuổi cao vẫn luôn phát huy giá trị bản thân, xem lao động là niềm vui, độc lập về tài chính và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng, xã hội.

Nghe phóng sự tại đây:

Ở vùng đất Nghi Hải (Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An), nghề làm nước mắm từ lâu đời đã trở thành nghề “cha truyền con nối”. Những người cao tuổi với đôi bàn tay khéo léo đã chắt chiu những mặn mòi của biển khơi để tạo thành những giọt nước mắm tinh túy nhất. Và khi ở tuổi cao, họ lại mang linh hồn của nghề làm nước mắm, trao truyền những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ kế cận.

Về đến Nghi Hải, cái vị mặn của muối và ngọt của cá càng tô đậm thêm nét đặt trưng của một vùng quê miền biển. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã biết khai thác cá, tôm ở biển về để chế biến thành nước mắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Cùng với thời gian, nhiều hộ gia đình đã phát triển nghề làm nước mắm để cung cấp ra thị trường. Gia đình hộ ông Võ Văn Phúc đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm mắm này.

“Để làm ra nước mắm nguyên chất ngon, đòi hỏi phải hết sức tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu cá và muối. Để có được thành phẩm nước mắm hấp dẫn, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao nhất là cá cơm than, cơm trắng và phải được đánh bắt đúng mùa vụ” - ông Phúc vui vẻ cho biết.

Làng nghề có gần 100 hộ sản xuất và chế biến nước mắm, cung cấp ra thị trường chủ yếu là ở phía Bắc. Phần còn lại bán nhỏ lẻ cho khách du lịch khi về tham quan tại biển Cửa Lò. Không chỉ mang lại thu nhập ổn định hàng năm, làng nghề còn giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Bằng kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, người cao tuổi ở Nghi Hải đã trực tiếp tham gia làm mắm, động viên con cháu đẩy mạnh kỹ thuật mới để tạo ra sản phẩm nước mắm có chất lượng tốt hơn. Tâm huyết với nghề, ông Phúc luôn trăn trở làm thế nào để duy trì được nghề truyền thống này, để nhiều người biết đến thương hiệu “nước mắm Cửa Lò”.

Ông Phúc kể: “Thời kỳ đầu triển khai cũng vất vả, làm thủ công nên bỏ ra nhiều công sức lắm, từ việc chọn lựa kỹ càng, rồi mua cá, muối dưới thuyền lên, cân đo xong bưng bê lên xe, chở về, mới bắt đầu sơ chế, chế biến qua rất nhiều công đoạn”. Giờ ông Phúc chỉ mong có thêm thật nhiều sức khỏe để tiếp tục gắn bó với nghề làm nước mắm.

Gắn bó hơn một thập kỷ với nghề làm mắm, bà Phan Thị Trà cho biết, việc chế biến nước mắm không thể vội vàng. Bà thường dạy bảo con cháu trong nhà, việc làm nghề cần phải tỉ mỉ, kiên nhẫn theo một công đoạn rõ ràng thì mới có thể cho ra những giọt nước mắm thơm dịu, có vị ngọt đậm đà.

Bà Trà tự hào khi nhắc tới “đặc sản” quê hương: “Sản phẩm của mình là nghề truyền thống, đúng quy trình là chín theo ánh nắng mặt trời, ngày thì chao đảo phơi, tối ủ lại. Nhà tôi làm có cá và muối, dứa thơm, về mình bào vỏ cắt nhỏ, phơi nắng cho héo đi bỏ vào. Đến lúc thành quả màu nước mắm ra màu cánh gián là đạt tiêu chuẩn”.

Bên cạnh loại nước mắm được chưng cất trực tiếp, đem phơi nắng còn loại nước mắm hạ thổ. Dù là loại nào thì tiêu chuẩn hàng đầu vẫn là “nói không với hóa chất, không chất bảo quản”.

“Nghề truyền thống là không thể làm rối được nên phải bảo đảm vệ sinh an toàn. Vệ sinh để chính gia đình mình ăn, rồi bà con, anh em, con cháu ăn. Nghề phải làm từ tâm mà ra” - bà Trà khẳng định.

Để làm nước mắm, mỗi năm hộ gia đình bà Lê Ngọc Bình tiêu thụ hàng chục tấn cá. Ngoài việc chú trọng đến chất lượng nước mắm, bà Bình cũng thường khuyến khích con cháu tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất nước mắm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Cá nào cũng làm được nước mắm nhưng để cho ra nước mắm có chỉ tiêu chất lượng thì chọn cá lúc trưởng thành, béo mập. Cá càng tươi càng ít tạp, càng béo mập thì nước mắm càng hảo hạng. Thế nên khâu đầu vào vô cùng quan trọng” - bà Bình chia sẻ.

Hầu như loại cá nào cũng làm được nước mắm nhưng để cho ra nước mắm có giá trị cảm quan, chỉ tiêu chất lượng và dinh dưỡng cao nhất chỉ có thể là cá cơm than, cơm trắng. Cá được đánh bắt đúng mùa vụ, lúc con cá trưởng thành, béo mập, để cho ra nước mắm có độ đạm cao nhất. Cá càng tươi, càng ít cá tạp, càng béo mập thì nước mắm càng sạch và hảo hạng.

Với người dân ở Nghi Hải, làm nghề là để mưu sinh, thế nhưng hơn hết là trách nhiệm với người sử dụng. Theo lời dạy của lớp người đi trước, thế hệ kế cận luôn làm nghề bằng cái tâm, bằng khát vọng về một làng nghề phát triển bền vững, được trao truyền mãi mãi.

Người cao tuổi Nghi Hải luôn tự hào hương vị nước mắm nơi đây thật khác biệt với bất cứ nước mắm của vùng miền nào khác. Họ còn tự hào hơn khi góp phần gìn giữ, phát triển hương vị riêng ấy trở thành một “thương hiệu đặc biệt” của vùng quê xứ Nghệ, để mỗi người dân hay du khách có duyên nếm thử đểu đem lòng nhớ mãi./.