Đời người như một vòng tuần hoàn, giờ đây khi mái đầu đã bạc, nhiều người cao tuổi lại miên man, hồi tưởng về Tết trung thu xưa kia. Đó là miền ký ức vô cùng đẹp đẽ, dù có thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Khung trời kỷ niệm đó đã theo mỗi người đi suốt cả cuộc đời, để rồi truyền lại cho những thế hệ sau cảm xúc, tình yêu về Tết đoàn viên, về những mùa trăng tháng Tám.

“Lúc bé, năm 1965-1966, Tết trung thu tôi tham gia đội kịch trong Câu lạc bộ thiếu nhi ở Lý Thái Tổ, tôi nhớ mãi vở kịch “Con gà trống”. Dù cuộc sống thời đó còn nhiều khó khăn, nhưng những trải nghiệm đó thật khó quên” - ông Đỗ Thanh Linh, Chi hội trưởng người cao tuổi Xuân Lộc 2, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội nhớ lại.

Cái Tết “trông trăng” không chỉ là niềm vui của con trẻ, mà còn là niềm hạnh phúc của người cao tuổi. Mong muốn mang đến cho các cháu thiếu nhi những món quà ý nghĩa trong ngày Rằm tháng Tám, người cao tuổi ở các địa bàn dân cư đã chung tay chăm lo cho các cháu thiếu nhi có một mùa trung thu ngập tràn niềm vui, bước vào năm học mới đạt nhiều kết quả tốt.

Cứ vào tháng 8 âm lịch, không khí ngày hội Trăng Rằm lại náo nhiệt khắp nơi nơi. Từ những ngày đầu tháng, Chi hội người cao tuổi thôn Trung 3, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đã tích cực vận động gia đình, con cháu và nhân dân ủng hộ làm Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Qua hoạt động này, bà Ngô Thị Hoa, Chi hội trưởng Người cao tuổi thôn Trung 3 mong muốn tạo không gian, thời gian ý nghĩa để mỗi gia đình gắn kết tình cảm, đồng thời giáo dục nét văn hoá truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc ta.

“Chi hội Người cao tuổi chúng tôi vận động, quyên góp tiền tổ chức cho các cháu một đêm Trung thu hoành tráng, đầy đủ mâm cỗ, có chú cuội và chị Hằng Nga” – bà Hoa vui vẻ cho biết.

Năm nay bà Nga còn có 2 người cháu nội tham gia biểu diễn văn nghệ, góp vui cho chương trình Tết trung thu thêm náo nhiệt, sôi động.

Để đêm hội Trăng Rằm diễn ra vui vẻ, an toàn, người cao tuổi còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền cho các cháu thiếu nhi thêm hiểu về nét đẹp văn hóa ngày Tết Trung thu. Không chỉ được tham gia nhiều hoạt động vui tươi như rước đèn ông sao, thi bày mâm cỗ, đố vui có thưởng cùng chị Hằng… các em còn được thưởng thức màn múa lân và các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Ngoài ra, để đem đến những phần quà ấm áp, đong đầy tình yêu thương cho thiếu niên nhi đồng trên địa bàn, người cao tuổi còn vận động nguồn lực trao quà cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Hoa khoe “Tối từ 19h cho đến 22h là chúng tôi phá cỗ, các cháu vui vẻ, tưng bừng lắm”.

Không chỉ trẻ em rất mong đợi ngày Tết Trung thu, mà đây cũng là dịp để người lớn sum vầy, người già được hàn huyên những câu chuyện thú vị của xa xưa và hiện tại. Tất cả hoà quyện tạo nên một buổi trông trăng phá cỗ tràn đầy niềm vui.

Bà Ngô Thị Cửu, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Trung 4, phường Xuân Đỉnh rất thích ngắm nhìn các trẻ được tặng quà Trung thu, được tham gia rước đèn, phá cỗ, xem múa lân, ngắm trăng,... vô cùng náo nhiệt. Với bà Cửu, niềm vui của trẻ nhỏ chính là hạnh phúc của người già.

Bà Cửu kể: “Chúng tôi họp tổ dân phố và chi bộ, phân công từng người có trách nhiệm làm tết trung thu cho các cháu thật vui”.

Rằm tháng 8 là dịp để mọi người sắp xếp công việc để trở về quê, sum họp bên gia đình. Dưới ánh trăng rằm sáng vằng vặc, cả nhà quây quần cùng nhau ăn bánh, uống trà, ngắm trăng và trò chuyện tới khuya… Để có được không gian vui vẻ, ấm cúng như vậy, những người cao tuổi như ông Đỗ Thanh Linh, Chi hội trưởng người cao tuổi Xuân Lộc 2 đã phải chuẩn bị từ sớm.

“Ngày rằm tháng 8, tổ chức cho các cháu vui Tết trung thu ở nhà văn hóa, tổ chức rước đèn cho các cháu đi ra công viên Hòa Bình, rồi về phá cỗ. Quà tết gồm bánh nướng, bánh dẻo, hoa quả, bánh trái...” – ông Linh cho biết.

Với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích và lý thú trong đêm hội trăng rằm, ông Lưu Minh Bàn, người cao tuổi phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy mong muốn tạo cho các em thiếu nhi một không gian Tết trung thu đầm ấm, lành mạnh. Từ đó, các em thiếu niên, nhi đồng có thêm ấn tượng sâu sắc về ngày Tết truyền thống, giúp các em có thêm động lực để tiếp tục cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Trung thu không chỉ là ký ức đẹp của tuổi thơ, mà còn sống mãi trong hoài niệm của người lớn tuổi. Đã qua rồi những năm tháng nghèo khó, với nhiều người cao tuổi, con cháu đã lớn khôn, trưởng thành. Trung thu này chỉ mong con cháu trở về sum vầy bên ông bà, cha mẹ. Còn hạnh phúc nào hơn, người già chỉ mong có vậy.

Với người cao tuổi, niềm vui thật giản dị khi được tận hưởng một mùa Trung thu rộn ràng, ấm cúng, vẹn tròn ý nghĩa bên gia đình, con cháu. Một cái Tết đoàn viên ngập tràn tiếng cười, để người già thêm lạc quan, tin yêu vào cuộc sống, cũng là cách để giáo dục con cháu hiểu và trân trọng nét đẹp văn hoá ngày Tết Trung thu./.