Nhiều tấm gương cán bộ Hội người cao tuổi không mệt mỏi cống hiến 10 năm, 15 năm và 20 năm cho công tác Hội. Trong số những tấm gương đó phải kể đến ông Nguyễn Văn Thức, 12 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội người cao tuổi phường Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều sáng kiến tổ chức hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi như đánh cầu lông, văn nghệ…. Ông Nguyễn Văn Thức và các Hội viên của Hội người cao tuổi phường Phú Cát còn quan tâm đến công tác bảo tồn giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn. Ông đã vận động người dân tự nguyện đóng góp hơn 300 triệu đồng sửa chữa, trùng tu đình làng Phú Cát. Ngôi đình Phú Cát được trùng tu khang trang đã quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Chia sẻ về cách tuyên truyền vận động, ông Nguyễn Văn Thức cho biết, để có thể vận động hiệu quả cần có sự lãnh đạo của Đảng, của chính quyền thì mới làm được còn cá nhân đứng ra không bao giờ làm được. Bên cạnh đó, để việc vận động thành công cách làm cần rõ ràng và trong sáng vì là tiền của người dân đóng góp.

Người cao tuổi luôn gương mẫu tiên phong trong các phong trào, hoạt động tại địa phương, đặc biệt là phong trào tuyên truyền người dân bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, trong đó có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Thạch Um, người Khmer, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh cho biết, do đồng bào chủ yếu là người dân tộc Khmer, ít giao lưu với bên ngoài nên trình độ nhận thức hạn chế. Mặt khác, tảo hôn là tập quán đã ăn sâu bén rễ lâu đời. Vì vậy, làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân vẫn luôn là trăn trở của ông và Hội người cao tuổi xã Lương Hòa. Xác định tình trạng tảo hôn là một trong những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo, thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, để khắc phục cần phải có lộ trình dài hơi, ông và các Hội viên đã phối hợp với các sư ở chùa tuyên truyền văn bản pháp luật hôn nhân, lồng ghép qua các buổi họp thôn ấp, đến từng hộ gia đình. Từ đó, người dân dần thay đổi nhận thức, thực hiện đúng pháp luật về hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn trên địa bàn không còn. Ghi nhận những đóng góp của ông, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam vừa trao bằng khen cá nhân tiêu biểu toàn quốc trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao- Gương sáng” 5 năm. Ông Thạch Um chia sẻ, để có thể vận động được bà con làm theo để không còn người hôn nhân cận huyết thống trong xã, ông đã kết hợp với sư cả chùa và kiên nhẫn vận động nhiều ngày, đến khi vận động được thì thôi. Ông Thạch Um cho biết sự kiên nhẫn đó là do ông học tập và làm theo tấm gương của Cụ Hồ. Đó chính là tính cần cù, nhẫn nại, cần tuyên truyền sâu rộng tới quần chúng để biết hiểu đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.

Người cao tuổi có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong cộng đồng dân cư cũng như ở từng gia đình, dòng họ. Để phát huy vai trò hơn nữa của người cao tuổi, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam cho biết, Hội Người cao tuổi các địa phương quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng và Nhà nước, vận dụng sáng tạo, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm phù hợp với điều kiện cụ thể tổ chức các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi bằng phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao- gương sáng”. Hiện nay, phát huy vai trò người cao tuổi chính là tạo điều kiện để người cao tuổi tiếp tục đóng góp, tiếp tục cống hiến.

Với tinh thần “tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bằng nhiều hoạt động cụ thể, ý nghĩa, Hội người cao tuổi các địa phương trên cả nước đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Qua phong trào “Tuổi cao - gương sáng”, người cao tuổi ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, thực sự trở thành những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.