Theo thống kê của Cục Trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 17 tuổi đang phải lao động trái pháp luật, chiếm 5,3% tổng số trẻ em trong cả nước, trong đó có hơn 500.000 trẻ em phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong số lao động trẻ em chỉ có 45,2% hiện vẫn còn tiếp tục đi học, 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học. Theo điều tra của cơ quan chức năng, có một số ngành nghề sử dụng lao động trẻ em như: nông nghiệp, trồng rừng, thủy sản, đặc biệt ở những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ vẫn thấy len lỏi tình trạng vi phạm về sử dụng lao động trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên phải lao động trái luật, trong đó nghèo đói và nhận thức về đảm bảo đầy đủ quyền trẻ em là 2 lý do chính dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật khi sử dụng trẻ vị thành niên lao động.

Điều 37 Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Bên cạnh đó, Luật Trẻ em cũng quy định: Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em…. Phó Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Nếu trẻ lao động trước tuổi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ, các em không được tiếp cận quyền giáo dục, quyền được chăm sóc sức khỏe…. dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai không đảm bảo.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Trong hơn 3 thập niên qua, nước ta đã đạt được thành tựu rất lớn về xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nỗ lực của Việt Nam trong việc kéo giảm tình trạng lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 3 nhóm mục tiêu cốt lõi: Ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp lao động trẻ em trái pháp luật, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em tham gia lao động trái pháp luật và trẻ em có nguy cơ; Nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; Nâng cao năng lực về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Chương trình cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lao động trẻ em từ 5 - 17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030.

Nhiều giải pháp, hình thức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội không ngừng được đổi mới và mở rộng diện bao phủ để giải quyết vấn đề nhận thức của các gia đình, cha mẹ và chính trẻ em về giáo dục, việc làm và giảm, xóa nghèo bền vững. Các chiến dịch truyền thông được phát động ở cả Trung ương và địa phương; cộng đồng, gia đình, trẻ em và người chưa thành niên liên tục được cập nhật thông tin qua nhiều hình thức như: báo chí và truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các câu lạc bộ, nhóm truyền thông tại cộng đồng dân cư. Nhờ đó, nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, trường học, các tổ chức xã hội, người sử dụng lao động, nhất là cha mẹ và trẻ em đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào kết quả giảm trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, trẻ em làm việc, đặc biệt là lao động trẻ em.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên chương trình với lãnh đạo Cục Trẻ em tại đây: