Ông Đào Việt Ánh – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Tính đến hết năm 2021, số người tham gia BHXH là hơn 16,5 triệu người, đạt 33,7% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó: số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 15,1 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện là gần 1,45 triệu người, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, vượt 1,96% chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; số người tham gia BHYT đạt hơn 88,8 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia. Việc thực hiện chi trả các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN luôn được triển khai kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thủ tục hành chính được cải cách triệt để gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc từ hành chính sang phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách.

Để đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, số cơ sở có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT gia tăng hàng năm (riêng năm 2021 có 2.639 cơ sở). Để duy trì tỷ lệ tham gia BHYT và bao phủ BHYT đối với gần 10% dân số còn lại, ông Phạm Lương Sơn – nguyên Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: Ngân sách nhà nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, ngân sách địa phương giữ vai trò bổ sung trong việc đóng BHYT cho nhóm dễ bị tổn thương, hộ gia đình nghèo; hỗ trợ nhóm thân nhân NLĐ thuộc khu vực phi chính thức tham gia;… với lộ trình trợ cấp, hỗ trợ phải đảm bảo tính ổn định. Thực hiện cơ chế tham gia BHYT mới: NLĐ có thu nhập ổn định đóng BHYT cho thân nhân. Đồng thời cần có chế tài nghiêm khắc, quy định mức đóng BHYT cao hơn hoặc truy thu tiền đóng BHYT đối với thời gian trốn đóng hoặc chậm tham gia BHYT với tất cả các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.

Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cho rằng, sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cơ quan báo chí thời gian qua đã góp phần giúp công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của mình, báo chí đã tích cực phản ánh nguyện vọng, dự báo tác động của chính sách đến quyền lợi, tâm lý của NLĐ, người sử dụng lao động thông qua các sản phẩm báo chí, góp phần hiệu quả cho quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hướng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và NLĐ.

Qua hơn 6 năm thực thi Luật BHXH, hiện nay xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống, những quy định của Luật BHXH năm 2014 cần phải được hoàn thiện, tiếp tục sửa đổi, bổ sung để toàn diện hơn. Thực tế gần đây đã có hàng trăm NLĐ không thể chờ đến lúc nghỉ hưu cũng như tiếp tục tham gia BHXH, họ đành lựa chọn nhận trợ cấp BHXH một lần sau khi nghỉ việc dù biết rằng việc nhận trợ cấp một lần sẽ bị thiệt hại nhiều hơn...

Chính vì vậy, cần xem xét, nghiên cứu đánh giá để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những quy định về chính sách hưu trí để tiệm cận với cuộc sống hơn nữa. Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Cơ quan chức năng đang nghiên cứu soạn thảo dự án Luật BHXH để sửa đổi, bổ sung Luật BHXH về chính sách hưu trí để tiệm cận với cuộc sống hơn như:

Bổ sung quy định trợ cấp đối với trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng nếu không nhận BHXH một lần theo hướng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn.

Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng như: chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian….

Tăng mức hỗ trợ đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Luật cũng đề xuất giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tham gia BHXH muộn có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Dự kiến, dự án Luật BHXH (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV (tháng 10-2022). Sau đó, dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2023. Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Luật BHXH sửa đổi lần này, ông Trần Hải Nam cho rằng: Vai trò của các cơ quan thông tấn, báo chí đặc biệt quan trọng, trong đó, phải đảm bảo chủ động truyền thông trước, trong và sau quá trình xây dựng Luật BHXH sửa đổi, phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ về quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH./.