Ngay khi Luật Phòng, chống ma túy được ban hành (03/2021), Chính phủ, Thủ tướng Chính, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS ma túy, mại dâm đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa là quan trọng để giải quyết tổng thể cả về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của tệ nạn ma túy.

Luật Phòng, chống ma túy được ban hành tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính, các Bộ, ngành và các địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, đã cơ bản giải quyết xác vướng mắc, bất cập của giai đoạn trước, từng bước giải quyết hiệu quả tệ nạn ma túy trong tình hình mới. Đến nay, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống ma túy về lĩnh vực cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy đã cơ bản đầy đủ và đồng bộ, qua đó giúp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống ma túy kịp thời, hiệu quả hơn.

Theo ông Nguyễn Bùi Tuệ, chuyên viên Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, sau hơn 2 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 cho thấy, số người được cai nghiện năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2022 là 44.486 người (tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập 40.830 người; tại gia đình, cộng đồng 3.656 người); năm 2023 là 60.104 người (tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập 55.829 người; tại gia đình, cộng đồng 4.128 người).

Điều 65 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP đã quy định Chế độ ăn, mặc và đồ dùng sinh hoạt cá nhân đối với người cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Trong đó, khoản 2 Điều 65 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định mức tối thiểu “tiền chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh đối với người cai nghiện nữ hàng năm của người cai nghiện bằng 0,9 mức lương cơ sở hiện hành”. Đây là mức tối thiểu, căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành định mức cao hơn.

Điều 67 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP quy định chế độ khám, chữa bệnh cho người cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cụ thể:

“1. Cơ sở cai nghiện bắt buộc phải định kỳ sáu tháng một lần tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe cho người cai nghiện và thường xuyên có biện pháp đề phòng dịch bệnh; phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm cho người cai nghiện.

2. Người cai nghiện bị ốm được điều trị tại phòng y tế của cơ sở cai nghiện. Trường hợp ốm nặng vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện thì được đưa đi bệnh viện hoặc đưa về gia đình để điều trị. Giám đốc cơ sở cai nghiện phải báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người cai nghiện.

3. Chi trả chi phí điều trị:

a) Trường hợp người cai nghiện được tạm đình chỉ thi hành quyết định đưa về gia đình điều trị, thì gia đình phải chi trả toàn bộ kinh phí khám, chữa bệnh.

b) Trường hợp người cai nghiện có bảo hiểm y tế thì kinh phí khám, chữa bệnh cho người cai nghiện do bảo hiểm y tế chi trả theo quy định. Trường hợp người cai nghiện không có bảo hiểm y tế thì kinh phí khám, chữa bệnh cho người cai nghiện do ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi của cơ sở cai nghiện ma túy. Cơ sở cai nghiện bắt buộc trực tiếp thanh toán tiền viện phí cho bệnh viện nơi người cai nghiện được điều trị.

c) Trường hợp người cai nghiện bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì cơ sở cai nghiện phải tổ chức điều trị và làm thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.”

Bên cạnh đó, tại Điều 80 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ đối với người sau cai nghiện ma túy như sau:

1. Người bị quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi khi tiếp tục đi học ở các bậc học phổ thông tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Thủ tục miễn giảm được thực hiện theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

2. Người sau cai nghiện khi tham gia đào tạo nghề nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo theo quy định của pháp luật về đào tạo nghề ngắn hạn.

3. Người sau cai nghiện được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, được ưu tiên đăng ký tham gia chính sách việc làm công theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Căn cứ tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng các nguồn tín dụng khác để hỗ trợ cho vay ưu đãi đối với người sau cai nghiện để phát triển sản xuất, tạo việc làm.

4. Căn cứ vào Khoản 1, 2, 3 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trên cơ sở nhu cầu hỗ trợ của người sau cai nghiện; hướng dẫn, hỗ trợ người sau cai nghiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Bùi Tuệ, chuyên viên Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai, thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy;

Tiếp tục rà soát, đánh giá để tham mưu hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy nói riêng cho phù hợp với tình hình mới;

Nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhân lực làm công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện ma túy, quản lý sau cai ở các cấp, trong đó trọng tâm là người làm cai nghiện tại cơ sở cai nghiện công lập và tại cộng đồng. Tổ chức biên soạn các tài liệu hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để giúp cho người làm công tác cai nghiện ma túy các cấp nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp;

Phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, để tạo cơ chế, tạo nguồn lực cho việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai ở các cấp;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ để hỗ trợ cho địa phương, cơ sở thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng; thực hiện đúng và đầy đủ quy trình cai nghiện ma túy, nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy ở các cấp.

Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Bùi Tuệ, chuyên viên Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: