Ông Phạm Minh Sơn - Vụ Trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết: Theo Điều 1 Pháp lệnh sửa đổi điều 10 Pháp lệnh dân số 2008 thì quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản thì mỗi cặp vợ chồng được quyết định thời gian và khoảng cách sinh con; Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các nghĩa vụ khác liên quan đến sức khỏe sinh sản.

Chỉ những trường hợp sinh con thứ 3 được quy định tại Điều 2 Nghị định 20/2010/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Điều 1 Nghị định 18/2011/NĐ-CP thì không vi phạm quy định sinh một hoặc hai con, bao gồm:

- Cặp vợ chồng sinh con thứ 3, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh 3 con trở lên.

- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ 2 mà sinh 2 con trở lên.

- Cặp vợ chồng sinh lần thứ 3 trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

- Cặp vợ chồng sinh con thứ 3, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

+ Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ);

+ Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

- Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

Bên cạnh việc nhiều cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên, thì hiện nay, nước ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh bắt đầu tăng mạnh từ năm 2006 với con số là 109 bé trai trên 100 bé gái và sau đó, tình trạng này diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng ở mức nghiêm trọng khi tỷ số giới tính trong năm 2018 là tới 114,8 bé trai trên 100 bé gái. Mặc dù con số này đã giảm đi chút ít trong năm 2019 (111,5 bé trai trên 100 bé gái) nhưng lại nhanh chóng tăng lại.

Việc gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ khiến nam giới khó lấy vợ, nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn, làm thay đổi cấu trúc dân số, tan vỡ cấu trúc gia đình mà còn có thể kéo theo những hệ lụy về an ninh trật tự, bạo hành gia đình; một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như: giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…

Ông Phạm Minh Sơn cho biết Tổng Cục Dân số đã đề xuất nhiều biện pháp để giảm sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng cần thực hiện trong thời gian dài chứ không thể thay đổi trong một sớm, một chiều.

Mời quý vị nghe toàn bộ phần tư vấn của ông Phạm Minh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế: