Ngày 15/9 vừa qua, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đã tổ chức thành công phiên đấu giá biển số xe ô tô đầu tiên, với 11 biển số của 10 tỉnh, thành phố; dự kiến thu về cho ngân sách tổng cộng hơn 82 tỷ đồng. Trong số này, nhiều biển số xe “siêu đẹp” được chốt mức giá "không tưởng" như: 51K-888.88 của TP. Hồ Chí Minh hơn 32 tỷ đồng; 30K-555.55 và 30K-567.89 của Hà Nội lần lượt hơn 14 tỷ đồng và hơn 13 tỷ đồng; 36A-999.99 của Thanh Hóa gần 7,5 tỷ đồng…

Tuy nhiên, những phiên đấu giá gần đây, các biển số xe ô tô “đẹp” lại không “được giá” như trước. Tại phiên đấu giá ngày 25/09, biển số 51K-899.99 của thành phố Hồ Chí Minh có mức trúng đấu giá là 2,74 tỷ đồng, biển số 74A-234.56 của tỉnh Quảng Trị, mức trúng đấu giá 1,075 tỷ đồng hay biển số 30K-599.99 của Hà Nội, mức trúng đấu giá là 1,79 tỷ đồng.....

Trước đây, đã từng xảy ra tình trạng khi đấu giá, vì nhiều mục đích khác nhau, có người đã trả giá tài sản ở mức cao, thậm chí rất cao nhưng khi đến thời hạn chuyển tiền lại "bỏ cọc", ví dụ như vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Chính vì vậy, không ít người băn khoăn, liệu rằng có xảy ra việc “thổi giá” rồi bỏ cọc như đã từng xảy ra?

Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết: Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 quy định về nộp tiền trúng đấu giá, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ số tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an mở tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký xe.

Nếu trong thời gian kể trên, người dân không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ cọc), thì biển số ô tô đó sẽ quay trở lại kho số chung thuộc quyền sở hữu của Bộ Công an và sẽ được tiếp tục đưa ra đấu giá lại (Điều 19 NĐ 39/2023)

Tại Điều 23 Nghị định số 39/2023/NĐ-CP ngày 26/6/2023 quy định về việc hoàn tiền trúng đấu giá như sau: Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá hoặc văn bản gia hạn thời hạn đăng ký trong trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, người trúng đấu giá chưa đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá gắn với xe thì Bộ Công an sẽ gửi thông báo cho người trúng đấu giá theo địa chỉ đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký đấu giá. Trường hợp người trúng đấu giá chết thì người thừa kế hợp pháp của người trúng đấu giá được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp (sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định và không được tính lãi suất) theo quy định pháp luật. Như vậy chỉ có trường hợp duy nhất được hoàn tiền khi trúng đấu giá, đó là người trúng đấu giá chết thì người thừa kế sẽ được nhận lại số tiền đã đặt cọc.

Trả lời về xử lý đối với trường hợp bỏ cọc đấu giá biển số xe "đẹp", luật sư Giang Hồng Thanh cho hay: Điều 39 Luật Đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm; Từ chối ký biên bản đấu giá; Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận; Từ chối kết quả trúng đấu giá.

Đối với khoản tiền đặt cọc (là khoản tiền đặt trước được chuyển hóa khi trúng đấu giá) thì việc xử lý tiền đặt cọc thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, nghĩa là nếu bỏ cọc thì mất cọc. Ngoài việc bị mất tiền đặt trước, tiền cọc, thì người vi phạm không bị phạt thêm khoản tiền nào. Theo Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh, đây là một khoảng trống pháp lý. "Tôi cho rằng đây là kẽ hở của pháp luật, tạo điều kiện cho người tham gia đấu giá đưa ra giá ảo để đẩy giá hoặc dìm giá mà không bị phạt" - luật sư Giang Hồng Thanh bày tỏ.

Nhìn nhận về vấn đề bỏ cọc đối với việc đấu giá biển số xe ô tô, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cũng nêu ý kiến: Hiện chưa có chế tài mạnh để xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi tham gia bỏ cọc. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu cơ chế xử lý đối với những đối tượng bỏ cọc. "Mức phạt có thể từ 3 - 5% của tổng số tiền trúng đấu giá. Cùng với đó cũng cần có cơ chế cấm những người bỏ cọc khi trúng đấu giá tham gia các cuộc đấu giá khác..." - ông Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến.

Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an, tính đến 26/9, 95 biển số xe ô tô đã được đấu giá, dự thu hơn 133 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người trúng đấu giá biển số ngũ quý tám vẫn chưa nộp số tiền 32,34 tỷ đồng. Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an cho biết thêm, hiện mới có 7 người nộp tiền trúng đấu giá, tổng cộng hơn 10 tỷ đồng, trong đó có một người ở Hải Phòng đã lắp biển số.