Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các đại biểu đề nghị quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm của người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nhất là hiện nay, tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỉ lệ rất cao (5 năm qua phát hiện gần 17.000 vụ với tính chất manh động, dã man, gây bức xúc dư luận). Trong khi đó, các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hằng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt. Khi phát sinh mâu thuẫn, các nghi phạm sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân. Đại biểu Dương Văn Thăng, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị: “Dao có tính sát thương cao, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, trong luật này cần bổ sung quản lý việc này”.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến băn khoăn liệu có phát sinh bất cập, mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật, vì dao là vật dụng được sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng kiến nghị không nên coi dao là vũ khí thô sơ để đưa vào danh mục quản lý trong dự thảo luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Đại biểu cho rằng điều này phụ thuộc vào ý chí khách quan của người sử dụng, mục đích của người sử dụng. Khi thì dao là tư liệu của người sản xuất, khi thì trở thành công cụ gia đình nhưng có lúc trở thành công cụ vi phạm pháp luật.

Thực tế trong tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Qua điều tra các vụ án cho thấy, chỉ xử lý hình sự được khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: Giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định dao là vũ khí. Chính vì thế đại biểu Lương Văn Hùng, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi nhất trí với đề xuất coi dao là vũ khí thô sơ để đưa vào danh mục quản lý. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị cần làm rõ “Dao có tính sát thương” là bao gồm những loại dao nào. Bên cạnh đó đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu đánh giá tác động và phân biệt dao có tính sát thương cao với dao phục vu sinh hoạt để tránh gây khó khăn trong sinh hoạt của người dân.

Hiện nay, nhất là ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thường rèn thủ công các loại dao nhọn và sắc, có chiều dài từ 20cm trở lên để phục vụ lao động, sản xuất. Thế nhưng nếu theo quy định thì đây là dao có sát thương cao, chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục khai báo theo quy định tại Điều 33 dự thảo luật, điều này dẫn đến nhiều bất cập trong thực tế.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và Anh ninh cho biết, dự thảo luật đang trình Quốc hội thảo luận, chỉ quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí khi đối tượng sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Trường hợp sử dụng dao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. “Việc dự thảo luật quy định dao có tính sát thương cao thuộc nhóm vũ khí thô sơ là để khắc phục tình trạng các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật sử dụng dao làm dụng cụ gây án... Nếu không bổ sung những quy định chặt chẽ về súng tự chế và dao thì máu và án mạng vẫn xảy ra nhiều... ”

Trong năm vừa qua, toàn quốc phát hiện hơn 28 nghìn vụ, bắt giữ 48 nghìn nghi phạm sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Trong đó, số vụ sử dụng dao và phương tiện tương tự dao chiếm tới 58%. Trong bối cảnh tội phạm sử dụng dao kiếm gây án phức tạp như hiện nay, thì việc bổ sung dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ là hết sức cần thiết để góp phần giảm nguồn tội phạm. Tuy nhiên cần phải có những quy định cụ thể, cũng như phân loại rõ rang để không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.