Ngày 8/3/2024, Công an huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam 6 người để điều tra về hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.

Trước đó, tháng 1/2024, thông qua 1 người bạn, Nhung có cho ông Lưu Văn Hoàng Anh (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) vay 50 triệu đồng. Đến hẹn, không thấy ông Hoàng Anh trả tiền, Nhung nhiều lần gọi điện thoại đòi tiền nhưng không được. Chiều 24/1, Nhung gọi điện thoại cho Thương nhờ đi đòi nợ. Thương rủ thêm Tuấn, Phúc, Vũ, còn Nhung rủ Đạt cùng đi. Đến nhà nhưng không gặp được ông Hoàng Anh, nhóm của Nhung đã đe dọa vợ và con của ông Hoàng Anh nhằm yêu cầu ông Hoàng Anh trả tiền. Thương và Tuấn lấy dao tự chế mang theo trong người uy hiếp tinh thần, buộc vợ ông Hoàng Anh trả nợ. Trước khi ra về, nhóm của Nhung còn đe dọa sẽ tiếp tục quay lại nếu ông Hoàng Anh không trả tiền. Sau đó, Nhung chuyển cho Thương 1,2 triệu đồng tiền công, Thương trả cho Phúc, Vũ, Tuấn mỗi người 300.000 đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng cho biết: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi tội phạm và được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể: cưỡng đoạt tài sản là việc đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là tội phạm có cấu thành hình thức, có nghĩa là không bắt buộc người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa mà chỉ cần có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản là đã thỏa mãn tội phạm này.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 170, người nào có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Và theo quy định tại khoản 4 của điều luật thì phạm tội thuộc thuộc một trong các trường hợp sau đây bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội.

Như vậy, hình phạt cao nhất với tội cưỡng đoạt tài sản là đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư Nguyễn Văn Hưng lưu ý: Khi cho vay tiền, nếu đến hạn trả mà bên vay không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên cho vay có thể khởi kiện ra tòa án. Bởi pháp luật nghiêm cấm sử dụng vũ lực trong giao dịch dân sự. Phán quyết của tòa án là phán quyết cuối cùng, bắt buộc các bên, các chủ thể phải có nghĩa vụ thực hiện.

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều, trong đó có Điều 170 về Tội cưỡng đoạt tài sản nếu chủ thể vi phạm từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 170 Bộ luật Hình sự.

Mời các bạn nghe toàn bộ cuộc trao đổi của luật sư Nguyễn Văn Hưng - Giám đốc Công ty luật Phúc Khánh Hưng với phóng viên VOV2: