Luật Đất đai 2024 quy định Chính phủ phân cấp cho các địa phương tự xác định, phê duyệt bảng giá đất trên địa bàn. Đây cũng là áp lực đối với các địa phương khi xây dựng bảng giá đất mới.

Mới đây, theo Bảng giá đất dự kiến của UBND thành phố Hồ Chí Minh, giá đất tại TP Thủ Đức tăng từ 10 - 15 lần; các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi tăng 10 - 20 lần. Riêng huyện Hóc Môn có nhiều tuyến đường giá đất dự kiến tăng từ 15 - 30 lần. Từ ngày 1/8 đến 27/8, cơ quan thuế của thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 9.000 hồ sơ đất đai chưa tính nghĩa vụ tài chính. Trong đó, 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ...). Còn lại là những hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất và thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định: Qua hơn 1 tháng tổ chức thực hiện Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, những quy định tại luật này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, phân cấp cho địa phương trong điều kiện hiện nay đã gây lúng túng cho một số địa phương. Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới việc xây dựng, phê duyệt, ban hành bảng giá đất là công việc khó, cần chuyên môn sâu, phải nắm vững nghiệp vụ trong khi các cơ quan ủy ban lâu nay chỉ tập trung quản lý chứ không có nghiệp vụ chuyên môn sâu về lập bảng giá đất. Cùng với đó, hệ thống văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về trình tự, thủ tục lập và phê duyệt bảng giá đất hiện chưa có. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, thông tin về giá đất của một thửa đất chuẩn, các thông tin thị trường chưa được thu thập đầy đủ. “Chúng ta phải phát triển các chuyên gia định giá đất cả về số lượng và chất lượng bởi hơn ai hết, đội ngũ này sẽ tư vấn về mặt chuyên môn để xác định giá đất. Phải có kiến thức chuyên môn thì mới xác định được” – ông Tuyến phân tích.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích: Hiện nay, các địa phương chưa có kho dữ liệu về đất đai để từ đó khi xây dựng giá đất mới xác thực. Cùng với đó, người làm công tác chuyên môn về định giá đất còn thiếu và yếu “Cần nâng cao trình độ về mặt lý luận và thực tiễn cho những người làm công tác xác định giá đất ở địa phương là việc làm cấp thiết hiện nay” - ông Thịnh nói.

Việc điều chỉnh bảng giá đất mới nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai 2024, đồng thời hướng tới việc cập nhật giá trị thị trường một cách chính xác hơn. Điều này sẽ tạo ra hệ thống giá đất minh bạch, công bằng, tăng cường hiệu quả quản lý đất đai, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của các tỉnh, thành phố. Chính vì vậy, rất cần có sự hướng dẫn, “gỡ khó” cho các địa phương thực hiện theo đúng quy định.

Mời các bạn nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Luật Hà Nội tại đây: