Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn xảy ra mới mình hoặc gia đình, nhưng luôn phải đối mặt mỗi khi tham gia giao thông. Nhiều vụ va chạm, tai nạn xảy ra đã gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.

Trong trường hợp người gây tai nạn giao thông bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, họ còn có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại về tài sản, tính mạng hoặc sức khỏe đã gây ra do người khác theo quy định của Bộ luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo luật sư Nguyễn Đức Hùng, PGĐ Cty Luật TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, hai trách nhiệm này của người gây ra tai nạn là tương đối độc lập với nhau. Người gây tai nạn sẽ phải có nghĩa vụ thực hiện cả hai loại trách nhiệm này, sẽ không có việc đã bồi thường thiệt hại thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc là đã phải chịu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù thì không phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự.

Điều 585 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Theo quy định của pháp luật thì các bên có quyền thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thiệt hại. Nếu các bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Và theo quy định của pháp luật thì các thiệt hại được bồi thường là các khoản thiệt hại thực tế đã phát sinh và các khoản chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả của thiệt hại đó.

Bên cạnh đó, đối với những thiệt hại khó định lượng chính xác (như tổn thất về tinh thần khi sức khỏe, tính mạng bị xâm hại), nếu các bên không thỏa thuận được thì pháp luật sẽ quy định một mức tối đa như: Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định; Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm hại là không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định này để quyết định mức bồi thường phù hợp cho từng trường hợp cụ thể trong thực tiễn.

Mời quý vị nghe luật sư Nguyễn Đức Hùng thông tin về các quy định của pháp luật liên quan tới bồi thường dân sự trong các vụ tai nạn giao thông tại đây: