Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2021, các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 512.864 tỷ đồng, tăng 26,73% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh thu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 53.243 tỷ đồng; bảo hiểm nhân thọ ước đạt 459.621 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng tài sản của toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 628.388 tỷ đồng, tăng 23,18% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 103.603 tỷ đồng và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 524.785 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra không ít vụ trục lợi bảo hiểm, trong đó có những vụ khá phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của công ty bảo hiểm và người được bảo hiểm. Theo một nghiên cứu, từ năm 2007-2013, có khoảng 52.860 vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ, các công ty bảo hiểm đã phát hiện và từ chối chi trả quyền lợi bảo hiểm với số tiền 530 tỷ đồng. Năm 2016-2017, số hồ sơ bảo hiểm nhân thọ có dấu hiệu trục lợi nhưng không đủ bằng chứng nên các công ty bảo hiểm phải chi trả quyền lợi bảo hiểm chiếm 0,8 – 4,6%.

Phương thức, thủ đoạn của những đối tượng trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi. Nguyên nhân của hành vi gian lận bảo hiểm chủ yếu rơi vào vấn đề nhận thức, tâm lý, thói quen, có sự cấu kết giữa các bên….

Đa số, các vụ trục lợi, gian lận bảo hiểm ở Việt Nam xoay quanh hành vi làm sai lệch thông tin, sự kiện, đối tượng bảo hiểm. Có ý kiến cho rằng, hợp đồng bảo hiểm có tính chất đặc trưng của quan hệ dân sự, là sự thỏa thuận ký kết thương lượng giữa bên bán và bên mua. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong hợp đồng bảo hiểm, lợi thế thường thuộc về doanh nghiệp bảo hiểm - bên bán chủ động, nắm chắc các quy định của pháp luật. Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, theo quy định của Điều 213 Bộ luật Hình sự, chỉ khi hành vi gian lận đã hoàn thành mới bị xử lý, do đó khó có thể ngăn chặn khi hành vi đó đang là “mầm mống”.

Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, khi thảo luận về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, vai trò của kinh doanh bảo hiểm là tích cực nhưng nếu như hành lang pháp lý quy định không cụ thể có thể dẫn đến tiêu cực. Việc trục lợi, gian lận bảo hiểm có cả ở hai bên chứ không chỉ bên mua hoặc bên bán bảo hiểm.

Thực tế đã chứng minh, gần như không có giải pháp hữu hiệu đối với vấn đề tâm lý trục lợi nếu người tham gia bảo hiểm có lòng tham và ý thức kém và các công ty bảo hiểm lại luôn đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu. Chính vì vậy, giải pháp cơ bản vẫn là phòng ngừa trên cơ sở tạo ra các nhân tố minh bạch và cảnh báo cho thị trường. Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cũng đã được các đại biểu quốc hội thảo luận. Việc sửa luật không chỉ tạo động lực mới mà còn để đảm bảo một thị trường bảo hiểm an toàn, hiệu quả, tránh tình trạng vi phạm trong ngành bảo hiểm, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.