“Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn, đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con”. Ấy thế nhưng sinh ra đứa con bất hiếu, quả thực là nỗi đau của bất kỳ người bố, người mẹ nào.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng luật sư Đồng Đội cho biết: Ngược đãi cha mẹ thuộc một trong những hành vi bạo lực gia đình, do đó, người bị ngược đãi có thể tố cáo hành vi này theo Điều 44 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Cụ thể như sau:

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện theo quy định về khiếu nại tố cáo.

Điều 19 Luật Tố cáo 2018 quy định về hình thức tố cáo như sau: Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp;

Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo, họ tên, địa chỉ cua người tố cáo; nội dung tố cáo. Đơn tố cáo phải do người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của từng người tố cáo; họ, tên người đại diện cho những người tố cáo để phối hợp khi có yêu cầu của người giải quyết tố cáo.

Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.

Vì vậy, khi bố mẹ bị ngược đãi, muốn tố cáo lên cơ quan chức năng thì họ có thể làm đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp đều được chấp thuận.

Nghị định 144/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình thì một số hành vi ngược đãi thành viên gia đình bị xử phạt như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó…

-Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kích động, xúi giục, giúp sức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cưỡng bức người khác thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

Điều 18 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định: Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.

Như vậy, bất cứ ai là công dân khi phát hiện bạo lực gia đình đều có quyền thông báo đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, khi phát hiện hành vi ngược đãi cha, mẹ của gia đình khác thì hàng xóm có thể tiến hành báo tin, tố cáo cho cá nhân hoặc cơ quan công an có thẩm quyền gần nhất để được xử lý kịp thời.

Mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên Đài TNVN với luật sư Trần Xuân Tiền tại đây: