Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2006. Luật GDĐT được xem là luật khung, quy định những vấn đề kỹ thuật, đặc thù phát sinh trên môi trường điện tử.

Sau 16 thực hiện, Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành khác tạo hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy GDĐT, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào cải cách hành chính. Mặc dù có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên, trước bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng, Luật GDĐT 2005 vẫn bộc lộ một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần phải được điều chỉnh và thay đổi

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng: Luật GDĐT hiện nay chưa quy định rõ ràng về thông điệp dữ liệu an toàn và chữ ký điện tử bảo đảm mức độ an toàn, dẫn đến sự lo ngại, thiếu tin tưởng của các bên khi tham gia giao dịch điện tử. Luật còn thiếu quy định về định danh, xác thực điện tử, dẫn tới hạn chế trong xác định trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong giao dịch điện tử...

Ngoài ra, các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp, người dân chưa được quy định rõ. Chẳng hạn nhiều tỉnh thành hiện nay sử dụng mạng xã hội Zalo để giao dịch với người dân và doanh nghiệp thì sử dụng cho dịch vụ nào, đến mức độ nào và trên cơ sở pháp lý nào?

Đi vào từng loại giao dịch cụ thể thì Luật hiện hành vẫn còn thiếu các quy định cần thiết để bảo đảm cơ cơ pháp lý để bảo đảm tính xác thực và an toàn cao. Ví dụ như không chỉ đơn thuần là trao đổi giao dịch thông qua chữ ký điện tử, mà còn các loại giao dịch trực tuyến như công chứng giấy tờ giao dịch online, mở tài khoản online để giao dịch chuyển tiền, rút tiền, thanh toán,… Không chỉ ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, mới nhất, như blockchain mà giải quyết cả những vấn đề đơn giản xảy ra hằng ngày trong cuộc sống như giao dịch trên mạng xã hội như Facebook, youtube, google,…"

Những giao dịch như vậy hoàn toàn có thể thực hiện được và đã bắt đầu diễn ra trên thực tế, vẫn bảo đảm tính pháp lý, được thừa nhận, công nhận, kể cả khi cần bằng chứng để chứng minh với Toà án hay cơ quan chức năng khác.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, đây là những vấn đề rất quan trọng, liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, nên cần phải được quy định trong luật, thay vì mới chủ yếu quy định trong thông tư, nghị định chuyên ngành.

Các hoạt động phổ biến của giao dịch điện tử hiện nay bao gồm việc mua bán sản phẩm, thanh toán hóa đơn, đặt hàng, quảng cáo sản phẩm, giao hàng,... trên nền tảng điện tử. Thậm chí ngày nay khi giao dịch mua bán nhà đất với số tiền lớn cũng đều dùng đến giao dịch điện tử thông qua các ngân hàng. Rõ ràng điều này đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một khung hành lang giao dịch điện tử chặt chẽ hơn và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để có thể tạo khung hành lang pháp lý phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh ứng dụng công nghệ 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm xây dựng một Luật thống nhất, tạo một hành lang pháp lý hoàn thiện để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực.

Trong dự thảo lần này của Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập đến tính bảo mật của thực thể giao dịch điện tử. Đây là việc đảm bảo thông tin trong thực thể giao dịch điện tử đó không bị rò rỉ hay đánh cắp, điều này liên quan đến việc bảo mật thông tin của chủ thể thực hiện giao dịch điện tử. Thông tin chỉ được phép truy cập bởi những người có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng được đề cập trong Dự thảo lần này là chữ ký điện tử và chứng thư điện tử để sử dụng như giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác ở dạng điện tử có mục đích chứng nhận, xác nhận, công nhận.

Chữ ký điện tử, có nhiều hình thức như chữ ký số (Luật hiện hành chỉ nói đến “chữ ký điện tử”, mà chưa nhắc đến “chữ ký số”); nhận dạng chữ viết tay, nhận dạng sinh trắc học, nhận dạng giọng nói,... đều là thông điệp dữ liệu, được dự thảo Luật quy định có giá trị pháp lý như văn bản.

Mời quý vị nghe toàn bộ trao đổi của phóng viên VOV2 với luật sư Trương Thanh Đức về vấn đề hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch điện tử: