Công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, đã ra đời và phát triển hàng trăm năm nay trên thế giới. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, ngành công tác xã hội đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ những nhóm người yếu thế. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta cũng đã vận dụng và triển khai công tác xã hội trên nhiều lĩnh vực, góp phần giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh.

Các quy định của pháp luật và chính sách xã hội đã được ban hành có bổ sung vai trò của Công tác xã hội như: Bộ luật Lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em, Nghị định số 20 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đến nay cả nước có 55 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ cao đẳng và trình độ đại học, 5 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ thạc sĩ và 02 cơ sở đào tạo ở trình độ tiến sĩ. Tại các địa phương đã hình thành hệ thống Trung tâm dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh và huyện, hệ thống Trung tâm này đã bắt đầu cung cấp những dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng.

Đặc biệt, Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam. Tiếp đó, ngày 22/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 112/QĐ-TTg ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn. Điều này khẳng định Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong nghề công tác xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thực tế hiện nay, những quy định pháp luật hiện hành về chính sách hoạt động trong ngành công tác xã hội nói chung còn nhiều bất cập.

Trong đó phải kể đến nhận thức của người dân, của các cấp các ngành về công tác xã hội chưa thật sự đầy đủ nên khi triển khai còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó, ngành công tác xã hội liên quan tới nhiều ngành khác như y tế, giáo dục, tòa án, tư pháp… nhưng sự phối hợp liên ngành lại chưa thật sự chặt chẽ. Chính những khó khăn khiến cho ngành công tác xã hội còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai trong thực tiễn, ông Trần Cảnh Tùng khẳng định.

Bên cạnh đó, bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Trẻ em, Quỹ nhi đồng Liên hiệp Quốc (Unicef) cho rằng, Việt Nam cần tăng cường về khuôn khổ pháp lý về nghề công tác xã hội, tạo điều kiện cho công tác xã hội tiếp tục phát triển.

"Hiện Việt Nam đang có những kế hoạch về xem xét việc sửa đổi Luật con nuôi, Luật trẻ em, hay xây dựng luật trợ giúp xã hội và những luật liên quan khác. Chúng tôi khuyến cáo việc bổ sung các điều khoản quy định về công tác xã hội trong các luật này. Cũng khuyến cáo Việt Nam và đưa ra các kế hoạch về nguồn nhân lực dưa trên việc xác định tỷ lệ nhân viên công tác xã hội trên số người dân, tỷ lệ nhân viên công tác đến nhóm đối tượng", bà Lê Hồng Loan chia sẻ.

Có thể nói, Việt Nam có dân số 100 triệu người, trong đó có 12% người cao tuổi, hơn 7% là người khuyết tật, 8% dân số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gần 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 230 nghìn người nghiện, hàng trăm nghìn đối tượng bị xâm hại, bạo lực, bạo hành và hàng triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay có các vấn đề trong cuộc sống. Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công tác xã hội lớn, chiếm khoảng 28% dân số. Cho nên hoàn thiện khung pháp lý sẽ giúp ngành công tác xã hội ngày càng phát triển, đồng thời, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Mời nghe âm thanh tại đây: