Năm học 2020-2021, mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 nhưng toàn quốc có hơn 18 triệu học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt trên 97%, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020; trong đó có hơn 14,5 triệu tham gia theo diện HSSV và 3,5 triệu tham gia theo nhóm khác, tăng 200.000 em so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 8/2021, đã có trên 14,3 triệu HSSV tham gia BHYT. Một số tỉnh có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 100% là: Hải Dương, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nam, Tuyên Quang…

Theo thống kê của cơ quan BHXH Việt Nam, năm 2020 có khoảng 3,3 triệu HSSV đi KCB với 6,8 triệu lượt với số tiền chi trả hơn 2.296 tỷ đồng, trong số đó có em mắc bệnh trọng được quỹ chi trả lên tới cả tỷ đồng.

Theo quy định, năm học 2021-2022, mức đóng BHYT hàng tháng của nhóm HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở (tương đương với 4,5% x 1.490.000 = 67.050 đồng/học sinh/tháng và 1 năm là 804.600 đồng). Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, HSSV chỉ đóng 70% mức đóng nên số tiền, tương đương 46.935 đồng/tháng, 563.220 đồng/năm. Phụ huynh, HSSV có thể lựa chọn phương thức đóng BHYT định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng và đăng ký tham gia tại cơ sở giáo dục, nhà trường nơi HSSV đang theo học.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng chính sách Bảo hiểm y tế - Ban Thực hiện chính sách BHYT – Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: HSSV là nhóm được hưởng nhiều quyền lợi khi tham gia BHYT như: Cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH; chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường hoặc cơ sở y tế theo quy định; chi trả chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng. Khi HSSV đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, trường hợp đúng tuyến và thực hiện đầy đủ thủ tục, học sinh sinh viên có thẻ BHYT mã quyền lợi là 4 thì được hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh. Trường hợp không đúng tuyến, không có giấy chuyển tuyến mà xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT, HSSV vẫn được quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ quy định (100% khi khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện; 100% khi khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến huyện, tỉnh; 40% khi khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến Trung ương).

Nếu không xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, hoặc đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhóm học sinh sinh viên sẽ được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT theo phạm vi, mức hưởng và tỷ lệ quy định cụ thể theo từng trường hợp được quy định trong Luật BHYT.

Riêng trường hợp cấp cứu, học sinh sinh viên được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào, và phải xuất trình thẻ BHYT (hoặc thẻ BHYT điện tử qua ứng dụng VSSID) cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định./.

Để được biết cụ thể về quyền lợi hưởng BHYT với HSSV, mời quý vị và các bạn cùng nghe trao đổi của phóng viên VOV2 với bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng chính sách BHYT - Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam tại đây: