Theo luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng Luật sư Đồng đội, trường hợp bị mất, hỏng thẻ BHYT, người dân có thể giải quyết bằng 2 cách:

Trong trường hợp người dân có sử dụng điện thoại thông minh và có tải ứng dụng VssID (ứng dụng Bảo hiểm xã hội) có thể xuất trình cho cơ sở khám, chữa bệnh hình ảnh thẻ BHYT hoặc mã QR trên ứng dụng này. Đây là quy định mới từ ngày 01/06/2021 cho phép người dân sử dụng ứng dụng trên điện thoại khi đến các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn tại Công văn 1493/BHXH-CSYT.

Ngoài ra, nếu không sử dụng ứng dụng này người dân có thể đến cơ quan BHXH gần nhất để làm thủ tục đổi, cấp lại thẻ. Theo Quyết định số 811/QĐ-BHXH thì BHXH cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền cấp lại, đổi thẻ BHYT mà không thay đổi thông tin theo mẫu BHYT mới cho người tham gia BHXH ở huyện, tỉnh khác.

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, hồ sơ cấp lại, đổi thẻ BHYT bao gồm: tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT theo mẫu TK1-TS ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-BHXH. Sau đó người dân nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) nếu họ là người tham gia BHYT thuộc đối tượng do BHXH cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) thu.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, về thời hạn cấp lại thẻ, theo quy định mới nhất tại khoản 2 Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH, trường hợp người tham gia BHYT không thay đổi thông tin sẽ được cấp lại ngay trong ngày sau khi cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Đặc biệt, người dân có thể cấp lại thẻ BHYT ngay tại nhà trên trang Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đó, bước đầu truy cập vào trang web Cổng Dịch vụ công quốc gia, chọn logo Bảo hiểm xã hội để đăng ký tài khoản rồi làm theo các thủ tục trên Cổng Dịch vụ công để đăng ký Cấp lại thẻ BHYT.

Khi cán bộ bảo hiểm đã nhận đủ hồ sơ, người dân sẽ nhận được thông báo và kết quả xử lý qua điện thoại. Sau đó, nếu chọn nhận thẻ BHYT qua dịch vụ bưu chính, người dân cần điền đầy đủ chính xác địa chỉ nơi nhận để được chuyển phát thẻ BHYT.

Trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT, người dân hoàn toàn được hưởng tất cả các quyền lợi khám chữa bệnh BHYT như bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo quy định về thủ tục khám chữa bệnh tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia BHYT phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do cơ quan BHXH cấp và giấy tờ chứng minh nhân thân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.